Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/11/2022.
Điểm tin chứng khoán vĩ mô
Công ty mẹ Gojek gia nhập làn sóng sa thải, sẽ cắt giảm 1.300 nhân sự
Tập đoàn GoTo (Indonesia) thông báo sẽ cắt giảm 1.300 nhân sự để tìm cách tối giản chi phí và trấn an nhà đầu tư về các khoản lỗ chồng chất. Trong tuyên bố ngày 18/11, GoTo cho biết số lượng nhân sự bị sa thải tương ứng với 12% lực lượng lao động. Công ty công nghệ tài chính, thương mại điện tử và gọi xe lớn nhất Indonesia sẽ thông báo với các nhân viên bị cho thôi việc ngay lập tức.
Như vậy, GoTo gia nhập danh sách các hãng công nghệ toàn cầu sa thải hoặc đóng băng tuyển dụng để cắt giảm chi phí, chuẩn bị cho thời gian khó khăn trước mắt. Lượng nhân sự công nghệ bị cắt giảm đã gần ngang bằng thời kỳ đầu dịch Covid-19, khi các doanh nghiệp đều nếm trải tác động tiêu cực từ môi trường kinh doanh chuyển biến xấu và nhà đầu tư tăng cường tập trung vào lợi nhuận. Sea – hãng công nghệ lớn nhất Đông Nam Á – đã cho khoảng 7.000 lao động nghỉ việc trong 6 tháng qua, theo nguồn tin của Bloomberg.
Ra đời từ vụ sáp nhập Gojek và Tokopedia, GoTo lên sàn chứng khoán đầu năm 2022. Cổ phiếu GoTo đã mất gần 40% giá trị so với giá IPO. Ngày 21/11, tập đoàn sẽ công bố báo cáo kinh doanh quý III. Hồi tháng 8, công ty cho biết khoản lỗ điều chỉnh quý II tăng lên 264 triệu USD.
Công ty nêu rõ “phải đẩy nhanh quá trình trở thành công ty độc lập tài chính và thực sự bền vững, tập trung vào các dịch vụ cốt lõi là fintech, thương mại điện tử và theo yêu cầu” . GoTo cùng các doanh nghiệp trong ngành như Sea, Grab – tất cả đều làm ăn thua lỗ – ghi nhận vốn hóa giảm mạnh trong thời kỳ kinh tế giảm tốc, lãi suất tăng và lạm phát phi mã. Các quan chức GoTo đang cố cân bằng giữa chi phí dành cho tăng trưởng với nỗ lực đạt lợi nhuận.
- Nhận xét: Sa thải nhân lực hàng loạt của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới do sự áp lực điều chỉnh ngân sách trong thời kỳ tài chính phức tạp sẽ sớm gây ra một nền kinh tế có khả năng suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Khủng hoảng năng lượng “giáng đòn” mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu: Đức cảnh báo tình trạng xấu
Financial Times nhận định, đây là một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu gây ra đang tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa. Bộ Kinh tế Đức đã đưa ra lời cảnh báo khi trả lời cho các câu hỏi của nhóm nghị sĩ bảo thủ về vấn đề an ninh năng lượng ở Đông Đức, nơi có 2 nhà máy lọc dầu lớn phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga. Đức, quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cạnh tranh với Điện Kremlin vì phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga, sẽ cùng một số quốc gia khác ngừng nhập khẩu dầu thô bằng đường ống từ ngày 5/12.
Schwedt – một trong những nhà máy lớn nói trên – là nhà cung cấp xăng dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu chính cho nền kinh tế khu vực, phục vụ những người tiêu dùng lớn tại địa phương như sân bay quốc tế Berlin. Trong phản hồi của mình, chính phủ Đức đã nêu chi tiết những nỗ lực nhằm đa dạng hóa Schwedt khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Đức cũng thừa nhận rằng lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề cho nền kinh tế phía đông nước Đức.
Phản hồi của Đức so sánh tình trạng này với tình trạng ở miền nam nước Đức trong mùa hè khi nhiệt độ đột ngột tăng khiến mực nước trên sông Rhine giảm mạnh, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển và đẩy chi phí vận chuyển trên tuyến đường thủy thương mại quan trọng của châu Âu. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển có hiệu lực vào 5/12 và là một phần quan trọng trong nỗ lực của khối nhằm gây ảnh hưởng tới Nga. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã đàm phán miễn trừ tạm thời khỏi lệnh cấm, với lý do họ thiếu các lựa chọn thay thế dầu mỏ của Nga. Cả ba đều phụ thuộc rất nhiều vào đường ống Druzhba chạy trực tiếp từ Nga.
Vào tháng 9, chính phủ đã có những động thái quyết liệt khi giành quyền kiểm soát Schwedt từ chủ sở hữu của nó là tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft. Bộ cho biết đối với các nhà máy lọc dầu PCK Schwedt và TRM Leuna, dầu được cung cấp qua đường ống Druzbha, việc thay thế các nguồn cung cấp khác là “thách thức nhưng có thể kiểm soát được”, đồng thời cho biết thêm rằng chi phí vận chuyển khí đốt sẽ tăng lên. Đức cho biết, Schwedt hiện đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp thay thế thông qua hai đường ống khác nhau – một chạy từ cảng Rostock của Đức ở Biển Baltic và một từ cảng Gdansk của Ba Lan. Hồi tháng 9 chính phủ đã công bố rằng họ sẽ cung cấp 400 triệu euro để tài trợ cho việc nâng cấp nhà máy.
- Nhận xét: Liên tục, nguồn cung năng lượng ở Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề và đễn giờ vẫn đang là mối lo ngại lớn cho khu vực. Sự phức tạp và thử thách cho ngành nhiên liệu càng làm cho dự đoán về tương lai của ngành trở nên khó khăn.

Xem thêm: Cập nhật KQKD của MWG quý 3/2022
Lâm Đồng phải tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa, trở thành cực tăng trưởng của Tây Nguyên
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, dự kiến năm 2022, toàn bộ 18/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 11,84%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 75 triệu đồng. Thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng. Khách du lịch đến Lâm Đồng tăng vọt (340%), đạt 7 triệu lượt. Góp ý cho Lâm Đồng về các giải pháp phát triển, các bộ, ngành đều bày tỏ ấn tượng với việc tỉnh đạt và vượt cả 18/18 chỉ tiêu. Theo các ý kiến, đánh giá, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển. Lâm Đồng có diện tích lớn thứ 7 cả nước, là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên không có đường biên giới.
Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên – Di Linh – Bảo Lộc với độ cao 1.500 m so với mực nước biển; có địa hình đa dạng, có bình sơn nguyên, núi cao, cũng có những thung lũng nhỏ, bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau và nhiều cảnh quan kỳ thú, lãng mạn, giàu cảm xúc. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, quy hoạch của Lâm Đồng phải lưu ý bảo tồn những nét văn hóa riêng có của tỉnh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ ấn tượng về tỉ lệ giảm nghèo của tỉnh giảm rất nhanh. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dư địa phát triển của tỉnh còn nhiều, nhưng chưa khai thác hết.
Thời gian qua, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Ước thực hiện đạt cả 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (trong đó vượt 6 chỉ tiêu). Biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao thành tích Lâm Đồng đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh còn một số hạn chế, như kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng… còn nhiều bất cập. Chuyển đổi giống cây trồng có xu hướng chậm lại. Tinh thần là phải làm có trọng tâm, có điểm, để bố trí nguồn lực, sắp xếp thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tránh dàn trải. Mong muốn thì nhiều, khát vọng thì lớn, thời gian thì có hạn, sức lực chưa nhiều, cho nên phải cân nhắc chọn cái nào làm trước, cái nào làm sau, ví dụ như quy hoạch phải đi trước một bước, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng KHCN tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo… Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả. Phối hợp tạo chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm. Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Phấn đấu sớm tự chủ ngân sách. Theo Thủ tướng, với đà phát triển này, tỉnh hoàn toàn có thể tự chủ được ngân sách vào năm 2024. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm (Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt).
- Nhận xét: Như vậy, Lâm Đồng không những đạt được những thành tích kinh tế xã hội cao mà còn trở thành điểm thu hút mới cho ngành du lịch quốc gia. Việc tỉnh có thể tự chủ được ngân sách trong tương lai và thu hút nguồn du lịch lớn có thể góp phần lớn cho kinh tế Việt Nam.

Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
FPT: Họ FPT tăng trưởng ấn tượng trong 9T2022, riêng FPTS báo lỗ do đánh giá lại khoản đầu tư vào May Sông Hồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của CTCP FPT (mã CK: FPT), trong quý, doanh thu thuần của FPT đạt 11.149 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận trước thuế là 2.028 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, FPT đạt doanh thu thuần 30.975 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Theo FPT, kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trưởng của khối công nghệ và khối viễn thông.
Trong đó, doanh thu khối công nghệ đạt 6.490 tỷ đồng, tăng 25% và LNTT đạt 1.010 tỷ đồng, tăng 28%, chiếm tỷ trọng lần lượt là 58% và 50% doanh thu và LNTT của Tập đoàn. Trong đó, Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đem về doanh thu 4.857 tỷ đồng, tăng 30%, và LNTT 848 tỷ đồng, tăng 26%, thúc đẩy bởi đà tăng đến từ thị trường Mỹ và APAC. Còn khối viễn thông – CTCP Viễn Thông FPT (FPT Telecom – mã chứng khoán: FOX) ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 3.731 tỷ đồng, tăng 20% và LNTT đạt 723 tỷ đồng, tăng 23%, chiếm tỷ trọng 33% doanh thu và 36% LNTT của Tập đoàn. Trong đó, dịch vụ viễn thông đem về doanh thu 3.517 tỷ đồng, tăng 18% và LNTT 640 tỷ đồng, tăng 21%.
Công ty con của FPT Telecom là CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online – mã chứng khoán: FOC) đạt doanh thu quý 3 là 214 tỷ đồng, tăng 63% và LNTT là 84 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FPT Telecom ghi nhận doanh thu đạt 10.807 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.169 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 22% so với cùng kỳ. Còn FPT Online đạt doanh thu 564 tỷ đồng, tăng 38% và LNTT 241 tỷ đồng, tăng 31%. Tính đến ngày 30/9, lượng tiền mặt và tiền gửi của FPT giảm 8% còn 24.126 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi của FOX là 11.636 tỷ đồng. CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã chứng khoán: FRT) đạt doanh thu 7.709 tỷ đồng – tăng hơn 54% so với cùng kỳ. LNTT 106 tỷ đồng, tăng 74%.
Luỹ kế 9 tháng, FRT đạt doanh thu 21.708 tỷ và LNTT 369 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 169%. Theo FRT, đà tăng doanh thu đến từ hai mảng chủ lực hiện nay là ICT và dược phẩm. Cụ thể, mảng ICT tiếp tục tăng trưởng về nhóm Laptop (cao điểm tựu trường tháng 9-10/2022). Luỹ kế 9 tháng, mảng ICT mang về 15.233 tỷ đồng cho Tập đoàn. Hệ thống nhà thuốc Long Châu cũng tăng đóng góp cho doanh thu hợp nhất với 6.562 tỷ sau 9 tháng – gấp 2,6 lần cùng kỳ. CTCP Chứng khoán FPT (FPTS – mã chứng khoán: FTS) là công ty duy nhất trong nhóm doanh nghiệp FPT lỗ trong quý 3. Doanh thu hoạt động của công ty sụt giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) âm 154 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, FPTS lỗ trước thuế 35 tỷ đồng trong quý 3/2022, trong khi cùng kỳ lãi 333 tỷ đồng.
Theo giải trình, doanh thu tự doanh giảm mạnh chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại khoản đầu tư MSH của May Sông Hồng, giá trị cuối quý 3/2022 giảm tới 162 tỷ đồng so với con số quý liền trước, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 150 tỷ đồng. Thời điểm 30/9, giá trị hợp lý danh mục tự doanh của FPTS tính theo giá trị hợp lý là 578 tỷ đồng, trong đó bao gồm 328 tỷ đồng cổ phiếu MSH. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS giảm 38% xuống 633 tỷ đồng, lãi trước thuế giảm 66% xuống 228 tỷ đồng.
- Nhận xét: Khi thị trường tài chính đang diễn biến phức tạp, kết quả quý 3 của doanh nghiệp vẫn rất tích cực. Đặc biệt, đáng để tâm tới hai mảng đang là tiềm năng của FPT là khối công nghệ và khối viễn thông.

Xem thêm: Cập nhật KQKD 9 tháng đầu năm 2022 của PLX
Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Hàng trăm nghìn môi giới bất động sản bất ngờ “mất việc”
Dòng tiền bị thắt chặt, kéo theo đó thanh khoản trên thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó, hoạt động môi giới cũng trở nên trầm lắng, nhiều nhân sự đột nhiên “mất việc”. Thông tin về tình hình thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nguồn cung của thị trường đã sụt giảm rõ rệt. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%. Các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại bộ phận dân chúng, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp.
Giá bất động sản bị đẩy lên cao, không phù hợp với khả năng thanh toán cũng như nhu cầu của người dân. Áp lực tăng giá đầu vào phát triển bất động sản cũng rất mạnh, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn… Nguồn vốn được coi là mạch máu, là nguồn oxy của thị trường thì đang có dấu hiệu bị “khoá van”. Theo ông Đính, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng “đói vốn”, khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp để tồn tại. Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo vị chuyên gia, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động. Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, đến quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.
- Nhận xét: Thị trường bất động sản đang gặp phải hàng loạt khó khăn, nhiều năm trở lại đây nguồn cung liên tục trong trạng thái khan hiếm. Đến đầu năm 2022, các chính sách về tiền tệ bị kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể là tín dụng ngân hàng vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, đây là 2 dòng tiền quan trọng nhất của thị trường.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 21.11.2022
————
Website: https://azfin.vn/
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam