Điểm tin chứng khoán ngày 01/03/2023

bởi khoi dang

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/03/2023.

1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô

– BIS: Các ngân hàng trung ương cần tránh lặp lại sai lầm của những năm 1970

Được mệnh danh là ngân hàng cho các ngân hàng trung ương, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) trong báo cáo mới đây cho biết, điều quan trọng là các quan chức không được lặp lại các sai lầm của những năm 1970 khi lãi suất được tăng lên mức cao một cách khó tưởng tượng sau khi cố gắng hạ thấp lãi suất dẫn đến lạm phát tăng trở lại.

“Các ngân hàng trung ương đã rất, rất rõ ràng ở giai đoạn này, khía cạnh quan trọng nhất là hoàn thành công việc. Một thái độ thận trọng được thiết kế để đảm bảo rằng việc không tuyên bố chiến thắng quá sớm là điều thích hợp”, Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và kinh tế của BIS cho biết. Chi phí đi vay trên toàn cầu đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 450 điểm cơ bản, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản và các quốc gia đang phát triển thậm chí còn tăng lãi suất nhiều hơn. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng mặc dù lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn đang bắt đầu giảm, nhưng nó sẽ vẫn ở mức cao do giá năng lượng và lương thực không ổn định, vì nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và khi công nhân yêu cầu tiền lương cao hơn.

“Những gì bạn không muốn làm bằng mọi giá là lặp lại các chính sách tạm dừng của những năm 1970 khi đang đảo ngược lãi suất và sau đó bạn nhận ra rằng công việc chưa được thực hiện. Sau đó, bạn phải làm lại điều đó một lần nữa”, ông Claudio Borio cho biết.

=>>> Có thể thấy, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cùng đồng quan điểm với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi nhận định rằng việc quan trọng hàng đầu ở thời điểm này là “hoàn thành công việc”- tức tiếp tục lộ trình tăng lãi suất để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Việc không tuyên bố “đã chiến thắng đẩy lùi lạm phát” từ Fed, dù không được nhà đầu tư thời gian vừa qua ủng hộ, lại được BIS nhận định là điều thích hợp, bởi BIS nhận thấy giá cả vẫn sẽ neo ở mức cao do giá năng lượng và lương thực biến động nhiều. Vì thế, việc quyết liệt một lần sẽ tốt hơn là “nới lỏng và sau đó lại phải tăng lãi suất rất mạnh để giải quyết hậu quả một lần nữa”.

– Vì sao xuất khẩu gạo phục hồi nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại đi lùi?

Năm 2022, xuất khẩu gạo phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu được 7.1 triệu tấn, trị giá 3.45 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 5% về kim ngạch, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Tính riêng trong quý 4, lượng gạo xuất khẩu tăng nhẹ 3.5% so với cùng kỳ lên 1.7 triệu tấn.

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo tăng trưởng trong năm 2022, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức tăng trưởng do năng lực cạnh tranh chưa cao và áp lực từ chi phí lớn. Cụ thể, hai ông lớn CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và CTCP Tập đoàn Lộc Trời, kết quả kinh doanh có sự phân hóa. Với Lộc Trời, mặc dù doanh thu giảm nhẹ 2% xuống 3.061 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 34% lên 156 tỷ đồng do chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Ngược lại, mặc dù doanh thu của Trung An tăng trưởng 35% trong quý IV nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, xuống 18 tỷ đồng do chi phí sản xuất tăng cao.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022, tình hình thương mại hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng được kỳ vọng phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19 nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, ngành gạo vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường mà chưa đa dạng hóa được khách hàng. Trước đây, ngành gạo phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của cả nước) thì đến nay, sự phụ thuộc ấy chuyển sang Philippines với tỷ trọng khoảng 45%. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn cung giá rẻ như Ấn Độ, Pakistan.

Tuy vậy, ngành gạo năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều biến chuyển tốt. Tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 diễn ra vào tuần trước, đại diện Bộ Công Thương cho biết năm 2023, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự quay trở lại của các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại Mỹ; Châu Âu; Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6.5-7 triệu tấn gạo.

=>>> Trong năm 2023, ngành gạo được dự báo sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ: (1): Việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp nhu cầu nhập khẩu gạo phục hồi; (2): Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh quay trở lại; (3): Biến đổi khí hậu ở Mỹ; Châu Âu; Trung Quốc khiến nguồn cung gạo bị hạn chế và (4): Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu gạo, áp thuế gạo trắng. Tất cả những yếu tố này cho thấy ngành gạo 2023 sẽ chứng kiến nguồn cung suy giảm trong khi cầu tăng- đây sẽ là cú hich cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, về dài hạn, ngành gạo vẫn cần nhận diện được những điểm yếu đặc thù để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế như: (1): Phụ thuộc quá nhiều vào một- vài thị trường; (2): Cạnh tranh gay gắt với nguồn cung giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan; (3): Trình độ chuyên môn hóa chưa cao, năng lực sản xuất hạn chế, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao hơn so với các đối thủ khác trên thế giới.

Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

– Mirae Asset: Triển vọng cổ phiếu đầu tư công- Rủi ro tiến độ giải ngân

Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành xây lắp mới đây, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, đầu tư công sẽ là điểm sáng trong tăng trưởng, tuy nhiên rủi ro chậm giải ngân vẫn hiện hữu.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức chính như: Nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới suy giảm, kéo theo việc giảm đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên mức trên 5% gây áp lực lớn đến tỷ giá trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát trong nước có dấu hiệu gia tăng.

Trước những thách thức trên, Ngân hàng nhà nước đã ưu tiên việc ổn định tình hình kinh tế vĩ mô thông qua việc định hướng dòng vốn tín dụng được giải ngân đúng mục đích, tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất- kinh doanh. Khi nhiều lĩnh vực sản xuất vẫn đang trong tình trạng khó khăn do thiếu đơn hàng, thì lĩnh vực đầu tư công đang trở thành điểm sáng khi nguồn vốn phân bổ gần như trong tình trạng sẵn sàng.

Đầu T2/2023, Bộ Tài chính cho biết đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90.32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 704.044 tỷ đồng). Có thể thấy, nếu thành công trong việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp, trừ các năm 2020-2021 thì việc giải ngân được đẩy mạnh để hỗ trợ hậu quả COVID-19. Điều này cho thấy việc giải ngân đầu tư công giai đoạn vừa qua được giám sát chặt chẽ.

=>>> Giải ngân đầu tư công- cú hích của các doanh nghiệp xây lắp- đang được giám sát chặt cnă, vì vậy việc lựa chọn các nhà thầu xây lắp các dự án này sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng. Các doanh nghiệp có hồ sơ năng lực thi công tốt sẽ được cân nhắc nhận được các gói thầu lớn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, Mirae Asset nhận định giá của các doanh nghiệp xây lắp được hưởng lợi từ đầu tư công đã phản ánh hầu hết do yếu tố kỳ vọng, nên nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền và các gói thầu lớn trong tương lai để ra quyết định.

2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

VHC: Sau khi lập đỉnh, doanh thu tháng đầu VHC “rơi tự do”

Tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh của VHC khá trầm lắng khi doanh thu xuất khẩu giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 462 tỷ đồng, thấp nhất kể từ T3/2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm.

Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự sụt giảm mạnh của một số mảng, trong đó, sản phẩm cá tra giảm 44% xuống 273 tỷ đồng; sản phẩm phụ giảm 54% xuống còn 54 tỷ đồng. Còn các mảng chăm sóc sức khỏe, bánh phồng tôm và các sản phẩm giá trị gia tăng lần lượt giảm 74%, 42% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ (nước nhập khẩu chính sản phẩm của VHC) giảm tới 65% xuống 117 tỷ đồng, thị trường Châu Âu cũng sụt giảm tới 28%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng đi xuống 34% còn 140 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có sự cải thiện 22% lên 32 tỷ đồng nhờ chính sách mở cửa, song tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.

Trong nửa đầu tháng 2, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của VHC tiếp tục giảm 33% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu giảm 55% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân xuất khẩu sang Mỹ giảm xuống 2.8 USD/kg, giảm 37% so với cùng kỳ, giảm 6% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp đôi và kim ngạch xuất khẩu tăng 76%. Giá bán trung bình sang Trung Quốc đạt 2.5 USD/kg- tương đương năm trước và tăng 10% so với tháng trước.

=>>> Số liệu kinh doanh tháng 1/2023 của VHC cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Trong năm 2023, ngành thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn đến từ: (1): Chu kỳ của ngành thủy sản đã qua khi các doanh nghiệp thủy sản ghi nhận mức lợi nhuận đỉnh trong năm 2022; (2): Lạm phát cao tác động đến nhu cầu mua hàng tại các thị trường nhập khẩu; (3): giá nguyên liệu đầu vào (tôm; cá tra) dù có xu hướng giảm trong năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao, trong khi giá bán giảm nhanh hơn giá đầu vào khiến biên lợi nhuận bị co hẹp.

3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Dự báo về thời điểm thị trường bất động sản khởi sắc

Tại tọa đàm “Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trường Viện Kinh Tế Việt Nam, nhận định chính sự quyết liệt từ những chỉ đạo của Chính phủ sẽ dần hé ra những điểm sáng cho thị trường và tạo ra động lực thực sự. Song, những khó khăn về chính sách theo ông là cực kỳ khó tháo gỡ. Vì thế, ông nhận định bất động sản sẽ khởi sắc nhưng chậm, có thể đến Q3/2023 thị trường mới bắt đầu tươi sáng lên.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, đưa ra một góc nhìn lạc quan hơn khi dự báo khoảng cuối Q2 thì thị trường sẽ có sự ổn định và hoạt động tốt hơn. Ông cho biết, các vấn đề về sửa đổi quy định, pháp lý liên quan đang được đẩy lên bàn làm việc của Chính phủ và tuần vừa rồi cũng đã có nhiều dự thảo đưa ra để lấy ý kiến. Ngay trong Q1/2023, nhiều văn bản sẽ được ban hành và có tác động dần, mang đến nhiều thay đổi ở quý 2. Đặc biệt một số dự án, nhóm dự án thiết yếu như nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ có những tác động trước. Còn các phân khúc khác sẽ phải chờ lâu hơn.

Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng thị trường bất động sản ấm lên thì phải đến sau tháng 7 âm lịch, tức khoảng cuối Q3/2023. Chuyên gia cũng phân tích thêm về hai gói hỗ trợ được nhắc đến nhiều thời gian qua. Trong đó, gói đề xuất 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng về cơ bản giống như gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để triển khai phải có đề án cơ bản để phát triển nhà ở xã hội về lâu dài, khi hết 110.000 tỷ đồng thì sẽ như thế nào và rút kinh nghiệm từ 6 bất cập của gói 30.000 tỷ đồng trước đó. Việc xây dựng gói này sẽ cố gắng trong quý 2 để sớm xin ý kiến Quốc hội.

=>>> Dựa trên nhận định của 3 trong số những chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể kỳ vọng 2 điều ở thị trường bất động sản trong thời gian tới: (1): Về giai đoạn thị trường phục hồi, chuyên gia dự báo sẽ diễn ra từ khoảng cuối Q2/2023 cho đến cuối Q3/2023 khi những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ tháo gỡ được điểm nghẽn thị trường và (2): Về lộ trình phục hồi của từng phân khúc, chuyên gia nhận định nhóm dự án thiết yếu như nhà ở xã hội (trực tiếp được hỗ trợ bằng gói tín dụng), hay nhà ở bình dân sẽ có những thay đổi tích cực trước, các phân khúc còn lại sẽ cần thêm thời gian để phục hồi.

Các chuyên gia đưa ra dự báo về thị trường bất động sản tại Toạ đàm. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 28/02/2023

________

Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin: 

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin