Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/02/2023.
1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô:
– Thương mại giữa Trung Quốc với thế giới tăng mạnh
Dữ liệu chính thức mới được công bố của Mỹ cho thấy thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 690.6 tỷ USD trong năm 2022, bất chấp các quyết định bổ sung thuế quan và áp đặt hạn chế xuất khẩu của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tăng khoảng 23% so với năm 2021, đạt 856.3 tỷ euro (912.6 tỷ USD)- một mức cao mới khác. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), năm 2022, tổng khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Đức tăng 20.9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 297.9 tỷ euro (318.8 tỷ USD). Có thể thấy, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong 7 năm liên tiếp.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh vào năm 2022 lần lượt đạt 282,0 tỷ USD, 975,3 tỷ USD và 485,8 tỷ USD, ghi nhận mức tăng hàng năm của lần lượt là 11,1%, 11,2% và 7,7%. Tất cả đều phá vỡ các kỷ lục trước đó.
Theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Croatia Ljubo Jurcic, mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc, nhưng nền kinh tế này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh sau khi chính phủ cải thiện các biện pháp ứng phó với đại dịch.
=>>> Nhiều nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Châu Âu và Đức đã báo cáo mức tăng trưởng mạnh về thương mại với Trung Quốc vào năm 2022 với con số thậm chí còn đạt mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy mối liên kết thương mại và hợp tác chuỗi cung ứng ngày càng chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
– Ấn Độ có thể vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong năm nay
Giám đốc quản lý, điều hành Cục Xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Ấn Độ (Invest India), ông Deepak Bagla dự báo Ấn Độ đang sẵn sàng vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Từ năm 2015 đến nay, Ấn Độ đã dẫn trước Brazil, Anh, Nga, Italy và Pháp về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 tính theo GDP. Cũng theo ông Bagla, Ấn Độ đã nhận được tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 950 tỷ USD từ 1947, trong đó 532 tỷ USD đã đến trong 90 tháng qua từ 162 quốc gia- đây là một kỷ lục toàn cầu. Trong 8 năm liên tiếp gần đây, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới về FDI mỗi năm. Lượng vốn FDI nhận được bao quát 61 lĩnh vực ở 31 bang và vùng lãnh thổ liên bang, đây lại là một kỷ lục toàn cầu, cho thấy sự tăng trưởng mới của Ấn Độ là toàn diện.
Về chuyển đổi số, vào năm 2022, Ấn Độ ghi nhận 41% trong tổng số giao dịch kỹ thuật số theo thời gian thực trên thế giới, đứng thứ nhất về số lượng giao dịch (48 tỷ giao dịch), bỏ xa nước đứng thứ hai là Trung Quốc (18 tỷ giao dịch).
=>>> Có thể thấy, Ấn Độ đang trải qua quá trình chuyển đổi chưa từng có trong lịch sử ở quy mô và tốc độ thử nghiệm trong tất cả các lĩnh vực, từ xã hội, kinh tế cho đến chính trị, trong khi vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh khi nằm trong top 5 các quốc gia có GDP lớn nhất thế giới.
– Doanh nghiệp khất nợ trái phiếu- trách nhiệm Bộ Tài Chính ra sao?
Bà T.T.C (Nghệ An), một người từng mua trái phiếu doanh nghiệp, cho biết, vào T8/2022, thông qua tư vấn của CTCP Chứng khoán SmartInvest, bà bỏ ra 800 triệu đồng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do công ty này tư vấn phát hành. Mới đây, bà được nhân viên công ty này liên hệ và đề nghị ký phụ lục gia hạn thời gian tất toán hợp đồng thêm 1 năm do doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Với người già 70 tuổi như tôi, giờ cũng không biết làm sao và kêu cứu cơ quan nào giúp đỡ”, bà C nói.
Hàng loạt nhà đầu tư mua trái phiếu của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thời gian qua cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc TVSI cho biết, hiện công ty không có tiền để mua lại số TPDN đã bán.
Từ năm 2021 tới nay, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo về thị trường TPDN, rằng nhà đầu tư tự đánh giá mức độ rủi ro trong đầu tư trái phiếu, Bộ Tài chính cũng chưa công bố bất cứ quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sai phạm trong phát hành TPDN.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng, với vai trò là cơ quan thiết kế, định hướng chính sách, phòng ngừa rủi ro thị trường, nhưng Bộ Tài chính đưa ra phát ngôn cảnh báo như trên là phủi trách nhiệm. Điều 8 và 9, Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định khoản mục trách nhiệm của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính. Nghị định số 87/2017/NĐ- CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính cũng nhắc lại điều này. Pháp luật cũng không giao nhiệm vụ cho bộ, ngành nào khác trong lĩnh vực chứng khoán.
=>>> Một mặt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm với sự phát triển của thị trường trái phiếu. Mặt khác, Bộ Tài chính- là đơn vị làm chính sách nhưng chính sách có vấn đề, được các bên chuyên gia kỳ vọng cần đưa ra những chế tài phù hợp để vừa điều tiết được thị trường trái phiếu, vừa cân bằng được lợi ích các bên.
2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu:
SRC: Vừa “vỡ mộng” lãi kỷ lục, Cao su Sao Vàng đặt tiếp mục tiêu lợi nhuận “khủng” năm 2023
CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) thông báo, ngày 24/4 tới, doanh nghiệp sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại trụ sở 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Danh sách cổ đông tham dự được chốt vào 20/03.
Tại cuộc họp, Hội đồng quản trị SRC có tờ trình cổ đông về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, với doanh thu đặt ra ở mức 2.000 tỷ đồng, bao gồm 970 tỷ đồng doanh thu sản xuất công nghiệp và 1.030 tỷ đồng doanh thu thương mại, lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 100 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức không dưới 10%.
Như vậy, các chỉ tiêu kinh doanh năm nay đều không có sự thay đổi so với năm 2022. Lưu ý rằng, đây là kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, nếu đạt được, SRC sẽ chinh phục mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2009.
Nhìn lại năm 2022, SRC ghi nhận 915 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 4% so với mức thực hiện năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng, giảm đến 27%. Tính ra, doanh nghiệp còn cách rất xa kế hoạch kinh doanh ĐHĐCĐ giao phó.
=>>> Mặc dù ngành săm lốp vướng phải một số lực cản trong năm 2022, như việc lốp ô tô nhập khẩu sang thị trường Mỹ sẽ bị áp thêm thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá, tuy nhiên hầu như doanh nghiệp đều lấy lại phong độ do không bị kìm kẹp bởi dịch bệnh như năm 2021. Đối với SRC, mức nền thấp được dự báo là yếu tố giúp doanh nghiệp này dễ dàng đạt tăng trưởng hơn.
3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác:
Chuyên gia: “Mọi giao dịch nhà đất phải qua sàn chỉ làm đội thêm giá”
Đề xuất bắt buộc các giao dịch bất động sản đều phải qua sàn (trừ chuyển nhượng cho người có quan hệ huyết thống) được nhiều luật sư đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản tuần vừa qua. Mục đích nhằm kiểm soát được giá và tăng tính minh bạch cho thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu bất động sản cho rằng đề xuất trên không cần thiết. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc công ty Việt An Hòa, chỉ những sản phẩm, dự án hình thành trong tương lai, chưa có sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu công trình trên đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) mới nên khuyến khích giao dịch qua sàn để giảm rủi ro pháp lý cho người mua. Còn với giao dịch đã có sổ đỏ, sổ hồng, không cần bắt buộc vì tính pháp lý đã được xác nhận hoàn chỉnh.
Ông cho biết thêm: “Đề xuất trên cũng không giúp kiểm soát giá tài sản do sàn chỉ là trung gian, ngược lại còn làm đội giá. Các chi phí phát sinh khi giao dịch qua sàn phổ biến ở mức 2% giá trị tài sản nếu là hàng dễ bán, và mức phí môi giới lên đến 4-5%, có trường hợp vượt ngưỡng này với tài sản khó bán, kén khách. Đây là chi phí bên bán cộng vào giá thành, người mua phải chịu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Nam Phát cho rằng giá cả do các tổ chức (doanh nghiệp), cá nhân (người mua và bán) tự quyết định. Nếu muốn tăng công cụ giám sát giá, chỉ nên quy định giao dịch nhà đất thanh toán qua ngân hàng.
=>>> Theo các bên chuyên gia, giao dịch nhà đất phải qua sàn không làm tăng tính minh bạch cho thị trường, mà ngược lại có thể còn đội giá và tăng thủ tục. Nói cách khác, bắt buộc giao dịch qua sàn còn nhiều bất cập, và điều này không quan trọng bằng việc có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm, thẩm định tài sản cho khách hàng, bởi người mua nhà đất đa phần không đủ năng lực tự trẩm tra các dự án.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 24/02/2023
________
Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin:
- Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
- Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
- Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/
- Khoá học đọc vị cổ phiếu: https://docvicophieu.azfin.vn/
- Khoá học chinh phục cổ phiếu ngân hàng: https://chinhphuccophieunganhang.azfin.vn/