Điểm tin chứng khoán ngày 24/02/2023

bởi khởi tạo đăng ký

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/02/2023.

1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô:

– Giới chức Fed quyết tâm hạ gục lạm phát nhưng vẫn tranh luận tăng lãi suất 25 hay 50 bps

Kết thúc cuộc họp hồi cuối tháng 1, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã thông qua mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps), qua đó nâng lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 4.5-4.75%.

Biên bản cuộc họp mới công bố cho thấy, mặc dù Fed quyết định tăng lãi suất với quy mô nhỏ hơn hầu hết thời gian trước, các quan chức Fed lo ngại rằng họ vẫn rất lo ngại về lạm phát. Biên bản nhấn mạnh rằng lạm phát hiện “vẫn cao hơn” mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Thị trường lao động vẫn “chịu những nút thắt, góp phần gây thêm áp lực lên tiền lương và giá cả”.

Biên bản cũng cho biết các quan chức tin tưởng chu kỳ tăng lãi suất “đang diễn ra” là điều rất cần thiết. Mặc dù FOMC thông qua mức tăng 25 bps, nhưng biên bản cho thấy không phải tất cả quan chức đều nhất trí. Cụ thể, “một vài” thành viên ủy ban cho biết họ muốn tăng 50 bps nhằm thể hiện quyết tâm đánh bại lạm phát lớn hơn.

=>>> Có thể thấy, thị trường lao động vẫn đang nóng lên, cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của Fed, dù đã tác động đến thị trường nhà ở và một số lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, vẫn chưa ảnh hưởng đến phần lớn nền kinh tế. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân tại cuộc họp mới đây nhất của Fed, các quan chức đang chia ra làm hai phe: (1): nâng lãi suất 25 bps hay (2): nâng lãi suất 50 bps.

– Morgan Stanley: Chứng khoán Mỹ có thể rớt 26% trong vài tháng tới

Mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế, nhưng chúng cũng loại bỏ khả năng Fed quay đầu giảm lãi suất, các chiến lược gia Morgan Stanley cho biết: “Điều này không tốt cho thị trường cổ phiếu vì đợt tăng giá mạnh trong năm nay đã khiến chúng trở nên đắt đỏ nhất kể từ năm 2007 theo một thước đo về phần bù rủi ro cổ phiếu”, các chiến lược gia này cho hay.

Ông Michael Wilson, Chiến lược gia tại Morgan Stanley, đánh giá sự đánh đổi giữa rủi ro và phần thưởng trên thị trường đang nghiêng về hướng bất lợi cho nhà đầu tư, nhất là khi Fed còn lâu mới chấm dứt quá trình thắt chặt tiền tệ và kỳ vọng lợi nhuận vẫn còn quá cao. “Đây là lúc lùi về phòng thủ trước khi các công ty đưa ra dự báo giảm lợi nhuận”, vị chiến lược gia này nhận định. Trong cuộc khảo sát lần trước, ông đã dự báo đúng về làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Sau khi chìm sâu vào thị trường gấu trong năm 2022, chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào đầu năm 2023. Đà leo dốc diễn ra sau khi xuất hiện các dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát và giới đầu tư cược rằng Fed có thể giảm tốc độ nâng lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức Fed cảnh báo rằng lãi suất có thể tăng hơn do áp lực giá cả vẫn cao. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận ảm đạm từ các công ty đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong vài ngày qua. Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ số MACD của S&P 500- biểu thị mối quan hệ giữa 2 đường trung bình động của chỉ số- hiện đang yếu đi. Các chuyên gia khác trên Phố Wall cũng cảnh báo rằng đà phục hồi của chứng khoán Mỹ đã đi quá xa.

=>>> Mức đánh giá có phần bi quan của chiến lược gia tại Morgan Stanley Michael Wilson được đưa ra trong bối cảnh ông dự báo Fed vẫn chưa chấm dứt quá trình thắt chặt tiền tệ và kỳ vọng của nhà đầu tư vào lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn còn quá cao so với thực tế. Nhận định này thể hiện các bên chuyên gia vẫn đang bi quan về mức định giá “quá cao” so với tình hình nền kinh tế hiện tại của thị trường Mỹ.

– Ký thỏa thuận khung hợp đồng bán khí cho dự án nhiệt điện Ô Môn II

Ngày 22/2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng Công ty CP Thương Mại Xây dựng đã ký thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, báo Bà Rịa- Vũng Tàu đưa tin.

Theo thỏa thuận, các bên thống nhất nguyên tắc và điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong Chuỗi dự án khí – điện Lô B. Tiến độ nhận khí của nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của dự án khí Lô B thượng nguồn.

Lô B nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77m. Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW).

Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050MW. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026-2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi Dự án khí – điện Lô B.

=>>>> Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng Công ty CP Thương Mại Xây dựng ký thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trong tuần này là tín hiêu tích cực, cho thấy dự án Lô B- Ô Môn II đang có tiến triển. Việc dự án Lô B- Ô Môn đi vào hoạt động sẽ là cú hích cho các doanh nghiệp ngành dầu khí ở cả ba phân khúc thượng-trung-hạ nguồn.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng Công ty CP Thương Mại Xây dựng ký thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II. (Ảnh: Báo Đầu tư)

2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu:

HPG: Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm còn 8.000 tỷ, không trả cổ tức tiền mặt

Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vừa công bố một số nội dung dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 30/03/2023 tới đây.

Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 bao gồm doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tập đoàn đạt 8.000 tỷ đồng, tương đương biên lãi thuần 5.33%. Năm 2022 vừa qua, Hòa Phát đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 141.409 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8.444 tỷ, đều thấp hơn mục tiêu do đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Hội đồng quản trị đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng, không trích quỹ thù lao Hội đồng quản trị và Quỹ Khen thưởng Ban Điều hành vì kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch.

Với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, Hội đồng quản trị Hòa Phát đề xuất sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất- kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022. Biểu đồ dưới cho thấy đây là lần đầu tiên Hòa Phát không trả cổ tức sau 3 năm 2019-2021.

=>>> 2022 là một năm đầy khó khăn cho ngành thép, khi “ông lớn” Hòa Phát phải đóng cửa 4 lò cao do nhu cầu tiêu thụ yếu. Cuối năm ngoái, Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao tại Khu Liên hợp Hải Dương và đang xem xét khởi động lại ba lò cao khác trong nửa đầu năm 2023. Nếu công suất được cải thiện, tỷ trọng chi phí cố định trong giá thành sẽ hạ xuống và lợi nhuận có thể khả quan hơn. Tuy vậy, ngành thép trong năm 2023 vẫn còn vài “biến số” cần phải được “tháo gỡ”: (1): khả năng phục hồi của thị trường bất động sản; (2): kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Sửa Luật Đất đai: Giao cơ quan độc lập xác định giá đất

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức Tọa đàm góp ý về các quy định của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy định liên quan đến các khoản thu tài chính về đất đai, các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai, căn cứ thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, … Trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), một nội dung quan trọng là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường.

Dẫn ý kiến của PGS.TS Ngô Trí Long, Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết:” Định giá đất sát với giá thị trường là yêu cầu quan trọng trong dự án Luật đất đai (sửa đổi) và đây là vấn đề không đơn giản. Giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện.

Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, các tổ chức định giá đất cần thực hiện một cách khách quan các tiêu chuẩn định giá đất.

=>>> Trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nội dung bỏ quy định khung giá đất và định giá đất phù hợp với giá thị trường là bước đột phá lớn, tuy nhiên điều này có thể khiến giá đất tăng lên, tiền đền bù giải phóng mặt bằng cũng tăng và rất khó để xác định giá theo thị trường. Vì vậy, đề nghị giá đất được định giá thông qua các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá sẽ là cơ sở để hoạt động định giá đất mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch; và giá đất do cơ quan định giá đất xác định sẽ phản ánh đúng giá trị của thị trường.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 23/02/2023

________

Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin: 

 

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin