Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/12/2022.
1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô
– Sau thời gian đối mặt với nhiều thách thức, ngành năng lượng sẽ ra sao trong năm 2023?
Lượng khí đốt của Nga được vận chuyển qua các đường ống chính tới châu Âu đã giảm khoảng 75% kể từ đầu năm, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu cho rằng Nga đang “vũ khí hóa” nguồn tài nguyên này. Hiện tại, những nước gần khu vực chiến sự như Ba Lan và Hungary cũng đang chịu những tác động đến nền kinh tế. Trái phiếu của những nước nhập khẩu nhiều khí đốt và lúa mì không tránh được áp lực. Bằng chứng là giá cổ phiếu của các công ty hóa chất giảm mạnh nhất kể từ khi bùng nổ xung đột, do khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất của các công ty này. Chỉ số đo lường sự biến động của các thị trường từ chứng khoán và trái phiếu đến dầu mỏ và tỷ giá EUR/USD đều tăng mạnh ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 và giảm dần sau đó. Tuy nhiên, các chỉ số lại tăng lên trong những tháng cuối năm, bất chấp lo ngại về suy thoái và năng lượng một lần nữa gia tăng.
Trong thời gian vừa qua, Fed đã liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ tăng lãi suất. Điều này khiến cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường dầu thô nói riêng nhiều lần chao đảo. Lãi suất tăng sẽ khiến cho đồng USD mạnh lên và làm gia tăng cả chi phí kinh doanh hàng thực lẫn giao dịch dầu thô. Trong cuộc họp hồi đầu tháng 11, FED đã tiến hành công bố mức tăng 75 điểm cơ bản, để đưa lãi suất lên mức 3-3,25%. Biểu đồ “Dot-plot”, thể hiện kỳ vọng về mức lãi suất mục tiêu của các thành viên FOMC cũng cho thấy trước khi bước sang năm 2023, lãi suất có thể tăng tới 4,6%. Theo ông Haitham al-Ghais – Tổng thư ký OPEC, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 23%, từ 286 triệu thùng/ngày trong năm 2021 lên 351 triệu thùng/ngày vào năm 2045.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành năng lượng cũng chỉ ra những nhân tố mới xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng trong năm 2023 như: Đầu tiên là thiết bị đầu cuối trong chuỗi cung cấp LNG. Đức – quốc gia đang chịu sự phụ thuộc trước đó vào khí đốt của Nga, sẽ là nơi tái khí hóa đầu tiên, chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2023. Ngoài ra, đàm phán với Iran cũng là một sự kiện quan trọng. Thị trường dầu thô thiếu nguồn cung đã giúp “hồi sinh” các cuộc đàm phán với Iran, nhà sản xuất dầu thô lớn của thế giới. Dù đã có những cuộc thảo luận nhưng EU vẫn không đưa ra kỳ vọng về việc Iran và Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận cho phép dỡ bỏ một số hạn chế đối với sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, một tổ hợp lọc hóa dầu và công suất 650.000 thùng/ngày hiện đang được xây dựng ở nhà máy lọc dầu Dangote, có chi phí ước tính 19 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt sản lượng tối đa vào năm 2023.
=>>> Nhận xét: Nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu hiện gần như đã chắc chắn, khi giá dầu thô, khí đốt, mặt hàng thiết yếu đối với các gia đình và ngành công nghiệp, tăng hơn 3 lần chỉ trong những tháng cuối năm do lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung năng lượng. Việc giá năng lượng và lương thực tăng mạnh cùng với những căng thẳng của chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 đã khiến lạm phát trên toàn cầu chạm mức cao kỷ lục kể từ những năm 1970.
– Thị trường dầu thô toàn cầu chuẩn bị đón “cú sốc” lớn
27 quốc gia Liên minh châu Âu đã đồng ý vào tháng 6 rằng họ sẽ dừng hoàn toàn việc mua dầu của Nga từ ngày 5/12. Thực tế, EU và các đồng minh là Mỹ, Nhật, Canada và Anh muốn cắt giảm đáng kể nguồn thu từ dầu mỏ của Nga nhằm rút cạn ngân sách cho các chiến dịch quân sự mà quốc gia này đang tiến hành. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều lo ngại cho rằng lệnh cấm hoàn toàn sẽ khiến giá dầu thô tăng vọt và buộc G-7 phải cân nhắc giới hạn về số tiền tối đa mà họ sẽ phải trả cho dầu của Nga. Trở lại với EU, ngay cả việc áp giá trần với dầu thô của Nga cũng gây nhiều tranh cãi. Hồi đầu tuần, một đề xuất được đưa gia là 62 USD/thùng nhưng Ba Lan, Estonia và Litva từ chối vì cho rằng mức giá này là quá cao, khó có thể ảnh hưởng tới ngân sách từ Nga. Hôm 30/11, mức giá dầu của Nga được giao dịch trên thị trường là 66 USD/thùng. Các quan chức Điện Kremlin nhiều lần nói rằng mức giá trần là phản cạnh tranh và họ sẽ không bán dầu của mình cho các quốc gia quyết định áp mức giá trần.
Thực tế, Ấn Độ và Trung Quốc hiện có khoảng 2,8 tỷ dân, tương đương 1/3 dân số toàn cầu. Đây cũng là 2 trong số những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cái gật đầu của Trung Quốc và Ấn Độ được coi là sự cần thiết để có thể áp đặt thành công mức giá trần với dầu thô của Nga. Giá trần đối với dầu thô của Nga được G-7 thông qua trong cuộc họp tháng 9. Kể từ đó tới nay, họ tiếp tục nghiên cứu cách thức để đưa điều này vào thực thi trong thực tế. Ngay ở thời điểm đó, Kadri Simson, giám đốc cơ quan năng lượng châu Âu bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ ủng hộ giá trần. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không tham gia cam kết mà Mỹ và đồng minh khởi xướng chỉ vì lý do chính trị.
Thực tế, dầu giá rẻ từ Nga mang lại cho 2 nền kinh tế này rất nhiều lợi ích. Họ chẳng có lý do gì để vứt bỏ những lợi ích quốc gia của mình. “Nghĩ rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tình nguyện tham gia việc áp đặt giá trần với dầu thô Nga là điển hình của sự ngây thơ. Ukraine không quan trọng với họ đến vậy”, ông Kirkegaard nói. Điều này có vẻ như không cần phải bàn cãi. Hồi tháng 9, Bộ trưởng xăng dầu Ấn Độ Shri Hardeep S Puri nói rằng ông có “nghĩa vụ đạo đức” với người tiêu dùng nước mình chứ không phải một đối tượng nào khác. Ông Puri khẳng định sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga và từ tất cả những nơi khác miễn là chúng có lợi cho nước ông.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang áp dụng Zero Covid. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ mở cửa trở lại vào năm 2023, khiến nhu cầu với dầu tăng vọt. Trong trường hợp Nga giảm sản lượng khai thác vì không bán cho châu Âu khi bị áp giá trần, giá dầu thô toàn cầu sẽ phi mã do mất cân bằng cung – cầu. Trong khi đó, mối quan hệ không thuận buồm xuôi gió giữa Mỹ và Ả rập Xê út khiến Washington khó lòng gây sức ép để các nước trong OPEC+, vốn do Nga và Ả rập Xê út lãnh đạo bởi ảnh hưởng của mình, gia tăng sản lượng bù đắp lại thiết hụt. Giá dầu theo đó cũng sẽ khó lòng được kiểm soát.
=>>> Nhận xét: Trước xung đột Nga – Ukraine, châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu hóa thạch từ Nga. Khi mâu thuẫn đôi bên lên tới đỉnh điểm vài tuần trước, châu Âu phải tìm mọi cách để lấp đầy các kho dự trữ năng lượng khi mùa đông tới. Thậm chí, rất nhiều khu vực ở châu lục này bị cắt điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng.Những chính sách cũng như những cuộc thảo luận về nguồn cung dầu khí cũng như mức giá sẽ tiếp tục làm thị trường dầu khí toàn cầu khó dự đoán.
XEM NGAY: Cập nhật KQKD 9 tháng đầu 2022 của PLX
– Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng vượt mức cả năm 2021
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt kết quả này đã vượt cả năm 2021. Theo Bộ Công thương đây là số liệu khả quan trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang có tín hiệu chậm, chững đơn hàng trong quý 4. Để có thể đạt được kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm nay vượt kết quả cả năm trước phải kể đến kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng 13,4%, nhập khẩu ở mức hơn 10%.
Đáng chú ý, có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng chủ lực xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Với kết quả trên, tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD. Cụ thể, các nhóm ngành khoáng sản, nông lâm thủy sản, công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất từ hơn 11 – 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cuối năm là giai đoạn chuẩn bị nguồn hàng cho dịp lễ lớn, nên những mặt hàng thực phẩm có thể có lợi thế như nhóm nông sản, thực phẩm, hoặc nhóm hàng điện tử. Xuất khẩu 11 tháng đạt kết quả khả quan, doanh nghiệp đã nỗ lực chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó Nghị định 128 đã phát huy tác dụng khi doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động, phục hồi sản xuất, điều này tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022”, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Trong thời gian tới, để ứng phó với những khó khăn từ việc đơn hàng giảm từ thị trường thế giới, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Công tác thông tin, tháo gỡ khó khăn về thị trường, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA thế hệ mới cũng sẽ được Bộ tiếp tục chú trọng.
=>>> Nhận xét: Đây là thông tin tích cực cho vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phức tạp. Với những con số này, kỳ vọng tăng trưởng là kỳ vọng rất lớn cho Việt Nam.
TÌM HIỂU THÊM: Walter Schloss – Huyền thoại đầu tư ” không bao giờ để mất tiền”
2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
– PDR: Phát Đạt hoàn tất chuyển nhượng dự án 197 Điện Biên Phủ
Theo công bố, Phát Đạt đã chuyển nhượng 28.476.800 cổ phần phổ thông, tương đương với 88,99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Địa ốc Hòa Bình. Công ty Cổ phần Địa ốc Hòa Bình là chủ đầu tư dự án tại 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, hay còn được biết đến với tên gọi “Khu phức hợp Hòa Bình – Thanh Yến”. Đây là dự án mới về tay Phát Đạt sau khi công ty chuyển nhượng thành công dự án Astral City và mang về 3.340 tỷ đồng tiền mặt. Việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Địa ốc Hòa Bình nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của Phát Đạt với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.
Tính từ cuối tháng 10/2022 đến nay, Phát Đạt đã tất toán tổng cộng 558,7 tỷ đồng các khoản vay, trong đó có 338,7 tỷ tất toán trước hạn trái phiếu. Căn cứ theo báo cáo tài chính Quý 3/2022, ước tính đến hiện tại tổng nợ vay của Phát Đạt giảm từ mức 5.265 tỷ đồng xuống khoảng 4.700 tỷ đồng, trong đó số dư nợ trái phiếu xuống còn 2.500 tỷ đồng. Ban Lãnh đạo công ty cho biết đã chuẩn bị kế hoạch và lộ trình để thanh toán đúng hạn các khoản vay, cũng như đảm bảo quyền lợi của các trái chủ.
Theo thông tin từ Phát Đạt hiện doanh nghiệp này đang tái cơ cấu danh mục đầu tư, công ty đang tập trung triển khai các dự án tiềm năng trong năm 2023. Cụ thể, Phát Đạt có kế hoạch triển khai ra thị trường hơn 12.000 sản phẩm đến từ các dự án tại Bình Định, Bình Dương vào cuối quý I/2023 và Bà Rịa Vũng Tàu vào cuối quý II/2023…
=>> Nhận xét: Sau suốt một thời gian khó khăn và gian nan cho ngành bất động sản, việc tái cơ cấu danh mục đầu tư là một bước phần nào cần thiết cho Phát Đạt. Tuy vậy, khó thể đánh giá chắc chắn về tương lai của doanh nghiệp khi vĩ mô phần nào vẫn còn phức tạp.
3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
– Trông chờ giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2023
Vốn đang được cho là điểm nghẽn khiến thị trường bất động sản rơi vào thế khó chồng khó. Một trong nguồn vốn quan trọng đối với thị trường địa ốc là dòng tiền từ phía ngân hàng. Nhưng nhiều tháng trôi qua, các doanh nghiệp địa ốc cho biết, họ rất khó để tiếp cận với nguồn vốn vay. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp bất động sản gõ cửa nhà băng nhưng room tín dụng không còn. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng lên. Theo TS. Hiếu, lãi suất huy động tăng có nguyên nhân từ Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 6 lần tăng lãi suất trong năm nay và 4 lần tăng lãi suất gần đây nhất tại Mỹ với cường độ rất lớn tới 0,75% cho mỗi lần tăng. Điều này tạo nên sức ép lên tiền đồng Việt Nam.
Bởi nếu Việt Nam không tăng lãi suất tiền đồng theo nhịp độ của FED hoặc với tỷ lệ thấp thì giá trị tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá lên và khi đó tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối, đồng thời cũng tăng nguy cơ lạm phát. Khi tỷ giá tăng, nhập khẩu nhiều khiến số tiền chúng ta phải bỏ ra cho hàng nhập khẩu tăng lên. Các yếu tố này khiến Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải tăng lãi suất. Trong 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất 2 lần. Đó là tăng lãi suất điều hành và sau đó là tăng trần lãi suất huy động đến 6 tháng. Hai lần tăng lãi suất này đã đẩy lãi suất cho vay lên, hạn chế khả năng vay nợ của người dân và doanh nghiệp.
Tháo gỡ vướng mắc về vốn để “bơm máu” cho thị trường bất động sản là giải pháp cần thiết hiện tại, tránh vết xe đổ lặp lại giai đoạn khủng hoảng hơn 10 năm trước. Để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, HoREA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023. Theo HoREA cho rằng, giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão. Bởi hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 6/1/2023 với tổng cộng 36 ngày tới đây.
Liên quan đến nguồn vốn từ phía hệ thống nhà băng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể tháo gỡ thị trường bằng cách tăng trần tín dụng (credit ceiling) từ 14% lên 16%. Dưới trần lãi suất đó sẽ phân bổ nhiều hơn room tín dụng, không gian tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng để mỗi ngân hàng có không gian cho vay nhiều hơn. Việc các ngân hàng được cho vay nhiều hơn sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản. Một giải pháp khác mà vị chuyên gia này đề xuất, đó là Chính phủ nên đưa ra chương trình hoãn nợ. Theo đó, nhà phát hành trái phiếu năm trước, đến hạn năm nay và năm sau được phép hoãn nợ. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, chỉ những nhà phát hành đúng quy định, sử dụng vốn huy động trái phiếu đúng mục đích.
=>>> Nhận xét: Giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian vừa qua khiến doanh nghiệp gặp khó. Tiếp đến, thị trường trái phiếu cũng gần như mất thanh khoản tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Vì vậy, giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất đổng sản 2023 là sự mong chờ lớn nhất bây giờ.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 02.12.2022
————
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/
Khoá học đọc vị cổ phiếu: https://docvicophieu.azfin.vn/
Khoá học chinh phục cổ phiếu ngân hàng: https://chinhphuccophieunganhang.azfin.vn/