Mục lục bài viết
- Điểm tin chứng khoán vĩ mô
- Lạm phát khuấy đảo thị trường, xóa sạch chỗ trú thân của các nhà đầu tư
- Kinh tế Đức đối diện với những dấu hiệu suy thoái gia tăng
- Những điểm siết của Nghị định 65 so với Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp
- Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
- FPT: Lãi ròng hơn 500 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 28%
- Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/09/2022.
Điểm tin chứng khoán vĩ mô
Lạm phát khuấy đảo thị trường, xóa sạch chỗ trú thân của các nhà đầu tư
Nghiên cứu mới của các tác giả thuộc Đại học Pennsylvania và Đại học Hong Kong phát hiện rằng cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và quỹ tín thác đầu tư bất động sản đều có nguy cơ chịu tổn thất khi lạm phát lõi gia tăng bất ngờ, theo dữ liệu trong giai đoạn 1963-2019.
Giáo sư Nikolai Roussanov, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nửa đầu năm nay, lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng nhanh hơn lạm phát lõi. Khi đó giá hàng hóa tăng mạnh và có vẻ là công cụ phòng vệ tuyệt vời chống lại lạm phát. Nhưng rồi giá năng lượng bắt đầu sụt giảm, chúng tôi thấy sự tương quan đó đảo ngược và nhìn chung hàng hóa không còn sinh lời tốt nữa”.
Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI) tháng 8 tăng 6,3% so với một năm trước, đánh dấu lần tăng tốc đầu tiên kể từ tháng 3. Con số này dập tắt mọi hy vọng của nhà đầu tư về khả năng lạm phát giảm tốc và củng cố dự đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới. Việc Fed thắt chặt chính sách quyết liệt có nguy cơ khiến nền kinh tế giảm tốc rõ rệt, gây tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và các hàng hóa như dầu.
- Có thể thấy, triển vọng của thị trường tài chính toàn cầu ngày càng xấu đi trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, kết thúc kỷ nguyên tiền rẻ hỗ trợ cổ phiếu và trái phiếu trong suốt đại dịch.

Xem thêm: Đa dạng hóa danh mục có “ngu xuẩn” như các tỷ phú nói?
Kinh tế Đức đối diện với những dấu hiệu suy thoái gia tăng
Phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tại Berlin dẫn báo cáo hàng tháng của Ngân hàng Trung ương Đức, cho biết các dấu hiệu suy thoái đối với nền kinh tế đầu tàu đang nhân lên, cảnh báo GDP sẽ giảm trên diện rộng và kéo dài. Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên tất cả các lĩnh vực là do sự hạn chế nguồn cung, cụ thể là nguồn cung năng lượng tới châu Âu giảm mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
GDP của Đức đã tăng 0,1% trong quý II/2022. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu đi xuống. Ngân hàng Trung ương Đức dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức có thể giảm nhẹ trong quý III năm nay, trước khi giảm mạnh trong quý IV và quý đầu của năm 2023. Theo ngân hàng này, tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho thấy tình hình thị trường đang rất căng thẳng. Ngân hàng Trung ương Đức nhận định mặc dù Đức có thể tránh được việc chính thức áp chế độ phân phối nhiên liệu, song việc giảm tiêu thụ sẽ khiến các công ty hạn chế hoặc tạm dừng sản xuất.
Việc giảm nguồn cung khí đốt cũng đã đẩy giá nhiên liệu và điện tăng vọt, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giá tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
- Có thể thấy, nước Đức đang xuất hiện những dấu hiệu tiềm ẩn của cuộc suy thoái mùa Đông. Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga trong mùa Hè, dẫn tới việc giá năng lượng tăng mạnh, đang tàn phá sự phục hồi kinh tế của đầu tàu Châu Âu kể từ sau đại dịch COVID-19.
Những điểm siết của Nghị định 65 so với Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp
Chiều ngày 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về các điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Với điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 01/01/2023); Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; Xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Nghị định cũng bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, Nghị định bổ sung việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời, nghị định bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức và hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát.
- Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn đang chứng kiến nhiều tồn đọng: (1): Việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; (2): Điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vẫn còn lỏng lẻo; (3): Nhận thức của nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế; (4): Nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam chưa phát triển; (5): Công tác thanh, kiểm tra gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp phát hành lớn. Vì vậy, việc sửa đổi luật liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần thanh lọc thành phần sai phạm, đồng thời góp phần minh bạch hóa thị trường về dài hạn.
Xem thêm: QTP- Liệu có phải PPC tiếp theo của ngành?
Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
FPT: Lãi ròng hơn 500 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 28%
CTCP FPT (Mã: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.951 tỷ, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.409 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Tính riêng trong tháng 8, doanh thu thuần của FPT là 3.841 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng cùng kỳ. Công ty lãi trước thuế 739 tỷ, tăng 28%. Còn lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 503 tỷ.
8 tháng đầu năm, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của FPT với tỷ lệ lần lượt là 57% và 46%, tương ứng với doanh thu mảng này là 15.481 tỷ và lợi nhuận là 2.256 tỷ.Các mảng khác như viễn thông cũng như giáo dục, đầu tư và khác cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số so với cùng kỳ.
- Trong năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 8 tháng, FPT đã thực hiện được lần lượt 64% và 65% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Xem thêm: FPT sở hữu tài sản ngầm gần chục ngàn tỷ!
Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Luật hóa bất động sản logistics để thúc đẩy kinh tế nhanh và bền vững
Nhiệm vụ của logistics là đảm bảo cho quá trình cung ứng hàng hóa và dịch vụ một cách kịp thời, đồng bộ và thông suốt trên thị trường, trong quá trình đó cơ sở hạ tầng logistics luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng logistics là sự tích hợp các hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin (CNTT) và các ngành dịch vụ khác cùng với hệ thống kho bãi, khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics (dành cho các doanh nghiệp logistics) trong nền kinh tế… là điều kiện cơ bản cho các hoạt động của hệ thống logistics vận hành trên thị trường một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế cơ bản đối với hệ thống logistics quốc gia hiện nay là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng kết nối và thiếu các bất động sản logistics (KCN logistics, cụm logistics và các trung tâm logistics…) ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ. Cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các hoạt động tiếp tục sản xuất trong phân phối, lưu thông hàng hóa để làm gia tăng giá trị cho các hàng hóa và sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị thị trường. Thậm chí có lúc, có nơi còn làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng hàng hóa, trong khi khối lượng và trị giá hàng hóa tham gia quá trình cung ứng ngày càng lớn.
Ví dụ, các cảng biển nước sâu Việt Nam thiếu kết nối với các KCN logistics, trung tâm logistics thông qua hệ thống đường sắt để thu hút hiệu quả tàu biển có trọng tải lớn và thu hút hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia vào cảng biển Việt Nam. Hiên tượng tắc nghẽn giao thông, xe tải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài khi vào, ra cảng lấy hàng như ở Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh,TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng vẫn xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do hiểu biết và nhận thức chưa đầy đủ về logistics nói chung và cơ sở hạ tầng logistics – bất động sản, thị trường bất động sản logistics nói riêng.
- Việc luật hóa bất động sản logistics và đưa vào Luật Đất đai (sửa đổi) lần này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, là tiền đề cho sự phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế và chính sách phát triển các bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics kịp thời, phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 20/09/2022
Trên đây là bản tin kinh tế vĩ mô đầu ngày của AzFin Việt Nam. Để tìm hiểu kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, tự định giá cổ phiếu và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có thể tham khảo khóa học “Phân tích và Định giá cổ phiếu cao cấp K19”. Ngoài ra, khóa học “Chiến lược giải ngân và quản trị vốn” sẽ là bộ đệm vững chãi để nâng cao khả năng phân tích cổ phiếu, quản trị vốn và quản trị tâm lý để trở thành nhà đầu tư huyền thoại.
————
Website: https://azfin.vn/
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
Tham khảo các khóa học khai giảng tháng 9 của chúng tôi:
Phân tích và Định giá cổ phiếu cao cấp K19: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/phan-tich-va-dinh-gia-co-phieu-cao-cap
Chiến lược giải ngân và quản trị vốn: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/khoa-chien-luoc-giai-ngan-va-quan-tri-von