Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/09/2022.
Điểm tin chứng khoán vĩ mô
Lạm phát Nhật Bản lên đỉnh 8 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng cao, làm gia tăng áp lực đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trước thềm cuộc họp chính sách quan trọng tuần này.
Theo đó, CPI cơ bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm 2021, theo báo cáo vừa được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố sáng 20/9. Số liệu thực tế cao hơn dự báo của giới chuyên gia với mức tăng 2,7% đồng thời là dữ liệu lạm phát cao nhất kể từ năm 2014.
Chi phí năng lượng và thực phẩm đã qua chế biến không ngừng tăng cao và đóng góp phần lớn vào mức tăng CPI trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, giá điện và phí viễn thông cũng góp phần kéo tăng lạm phát.
Tuy nhiên, BoJ được dự báo sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ trước đó. Thống đống BoJ Haruhiko Kuroda liên tục khẳng định cơ quan này sẽ giữ lãi suất ở ngưỡng siêu thấp cho tới khi nào mức tăng lương của người lao động đủ để làm áp lực lạm phát trở nên cố kết.
Quan điểm của ông Kuroda biến BoJ trở thành một trong số ít các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục theo đuổi chiến lược nới lỏng tiền tệ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này.
“Hiện tượng lạm phát do chi phí đẩy không có lợi đối với người tiêu dùng, nhưng BoJ vẫn sẽ giữ vững quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ với hy vọng lạm phát sẽ thay đổi theo hướng có lợi đối với nền kinh tế”, Yuichi Kodama, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda. “Chính sách của BoJ có thể được giữ vững cho tới khi nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc và đây là cơ hội không thể tốt hơn nhằm hồi sinh lạm phát, điều hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua”.
- Trong khi BoJ theo đuổi quan điểm nới lỏng, Fed đã liên tục tăng mạnh lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát, và được dự báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tuần này. Sự khác biệt về chính sách đẩy đồng yên xuống đáy 24 năm so với đồng USD, kéo tăng chi phí nhập khẩu năng lượng và thực phẩm. Hiện 1 USD đổi được 143,2 JPY.

Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tạm dừng quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ khi giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục trượt giá so với đồng USD.
Cụ thể, lãi suất các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm được giữ nguyên ở ngưỡng 3,65% và 4,3%. Trong cuộc khảo sát của Reuters, 21/28 chuyên gia kinh tế dự báo PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất.
Các chuyên gia phân tích cho biết giới chức Trung Quốc đang nỗ lực đạt được sự cân bằng giữa mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế trong khi không tạo ra các rủi ro kinh tế mới.
Trước đó, Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong tháng 8 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, quan điểm chính sách khác biệt của Bắc Kinh với phần lớn các nền kinh tế lớn khác, vốn đang chạy đua lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát, khiến cho đồng nhân dân tệ liên tục đi xuống đồng thời giới hạn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC.
Đồng nội tệ của Trung Quốc giảm khoảng 4% so với đồng USD từ giữa tháng 8, thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 7 CNY đổi 1 USD, đồng thời làm gia tăng rủi ro thất thoát vốn khỏi nền kinh tế.
- Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nhiều áp lực như cuộc khủng hoảng BĐS, chính sách Zero-Covid,… Với việc các nhà chức trách tạm dừng quá trình nới lỏng tiền tệ có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thêm những tác động tiêu cực. Chính sách chung của Chính phủ Trung Quốc sẽ được chia sẻ thêm tại Đại hội Đảng vào tháng 10 tới đây.

Hà Nội lên kế hoạch chi tiết xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Theo UBND TP Hà Nội để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đảm bảo mục tiêu, tiến độ thành phố đã ra kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án này.
Theo kế hoạch, tiến độ tổng thể, UBND thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt các dự án thành phần bao gồm: Dự án thành phần 1 – bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự án thành phần 2 – xây dựng đường song hành (đường đô thị) và dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư trong tháng 1/2023.
Thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023; đồng thời phấn đấu khởi công dự án trong tháng 6/2023; tập trung thi công cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
- Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được thi công sẽ (1) thúc đẩy đầu tư công; (2) phát triển hệ thống hạ tầng tại Hà Nội.
Đọc thêm: ĐA DẠNG HÓA DANH MỤC CÓ “NGU XUẨN” NHƯ CÁC TỶ PHÚ NÓI?
Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
GVR ước lãi 9 tháng đạt hơn 4.400 tỷ đồng
Mới đây, tập đoàn Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu 18.397 tỷ đồng và lợi nhuận 4.408 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu công ty mẹ là 1.927 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 876 tỷ, tăng 1% và 2%.
Tuy nhiên, ông Trần Công Kha – Chủ tịch GVR cho biết trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của riêng công ty mẹ còn có dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính là 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, trong trường hợp vì lý do khách quan, 2 nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc cho biết cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính của tập đoàn đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Về khối nông nghiệp cao su chiếm tỷ trọng lớn về vốn đầu tư, doanh thu những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực nhưng hiện thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu.
Lĩnh vực hoạt động ở khu vực khu công nghiệp có mức lợi nhuận khá tốt nhưng quy mô còn nhỏ, quỹ đất cho thuê hiện hữu cơ bản hết. Nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước. Trong khi các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III…vẫn đang trong gia đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai đầu tư.
- Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã làm giá dầu, lạm phát tăng cao, tạo ra những thách thức, cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào nghẽn…đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh chính của GVR trong năm nay. BLĐ đề ra mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025.
Đọc thêm: Những cuốn sách dành cho nhà đầu tư mới
Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Savills: Tỷ lệ lấp đầy các KCN khoảng 71%, tương đương cuối năm 2020
Báo cáo thị trường khu công nghiệp (KCN) 8 tháng của Savills cho biết tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương cuối năm 2020. Bất động sản KCN ở khu vực phía Bắc tại khu kinh tế ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng vẫn ghi nhận nguồn cung tốt nhờ các dự án mới như Deep C III.
Tại 6 tỉnh trọng điểm phía Bắc, nguồn cung KCN đạt mức 11.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy đến nay đạt 83% và chỉ còn trống khoảng 2.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%, tuy nhiên Savills ghi nhận có nguồn cung tương lai đến từ một số dự án mới.
Các địa phương như Hưng Yên với tỷ lệ lấp đầy khoảng 77% và Hải Phòng ở mức 68%, trở thành một điểm đến khá thích hợp cho nhà đầu tư vào lúc này.
Ở khu vực phía Nam, KCN tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít diện tích trống. Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là điểm đến đầu tư thay thế nhờ nguồn cung tốt. Savills Việt Nam cho biết nhiều nhà máy dự kiến được xây dựng trong thời gian tới nhờ vị trí thuận tiện gần các cảng lớn.
Tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh thành trọng điểm phía Nam đạt 84% với giá thuê trung bình 152 USD/m2/chu kỳ thuê 50 năm. Đại diện Savills đánh giá mặc dù khu vực này còn một số khó khăn về kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng nhưng vấn đề này sẽ sớm được khắc phục khi các dự án giao thông như đường Vành đai 2, Vành đai 3 cũng như sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
- Ngành BĐS KCN Việt Nam đang hội tụ đầy đủ 3 yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa: (1) Hưởng lợi từ chính sách Zero-COVID, Go-Green của Trung Quốc; (2) Hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung; (3) Chi phí rẻ trong khu vực; (4) Hành lang pháp lý nới rộng; (5) Hiệp định FTA.

Đọc thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 21.09.2022
————
Website: https://azfin.vn/
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
Tham khảo các khóa học khai giảng tháng 9 của chúng tôi:
Phân tích và Định giá cổ phiếu cao cấp K19: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/phan-tich-va-dinh-gia-co-phieu-cao-cap
Chiến lược giải ngân và quản trị vốn: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/khoa-chien-luoc-giai-ngan-va-quan-tri-von