Mục lục bài viết
Warren Buffett từng nói: “Đa dạng hóa danh mục là một cách phòng thủ của sự thiếu hiểu biết”. Tỷ phú Mark Cuban – một Shark trong chương trình Shark Tank của Mỹ cũng nói rằng: “Đa dạng hóa danh mục chỉ dành cho những thằng ngu mà thôi!”.
Những phát ngôn một chiều và chủ quan như vậy có áp dụng được cho mọi NĐT cá nhân hay không?
Hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và nhìn lại lịch sử.
Câu hỏi 1: Các huyền thoại đầu tư, tỷ phú có đầu tư tập trung đơn thuần như chúng ta nghĩ?
Nhiều NĐT cá nhân tin rằng đầu tư tập trung vào một, hai DN mà họ cho là triển vọng nhất là con đường duy nhất dẫn đến sự giàu có. Nhìn lại tấm gương của Steve Jobs, Bill Gates, hay Jeff Bezos – họ có đa dạng hóa đầu tư bao giờ đâu?
Thoạt nhìn thì lập luận trên nghe có vẻ hợp lý thật, nhưng nếu đi sâu vào con đường làm giàu của các vị trên thì sao? Lập luận trên còn đúng nữa hay không?
Warren Buffett & Charlie Munger có đa dạng hóa?
Hẳn là trong giới đầu tư cơ bản – đầu tư giá trị, không ai không biết đến 2 vị này. Nghe qua những thương vụ làm giàu của 2 huyền thoại này, chúng ta thường cho rằng cơ ngơi mà họ lập nên tất cả đều được tạo dựng từ một vài các khoản đầu tư tập trung sáng giá nhất như GEICO, Washington Post, The Coca Cola,….
Đồng tình rằng các khoản đầu tư trên đã góp phần lớn vào sự thành công của họ, nhưng chúng ta cần biết rằng những khoán đầu tư đó là nơi họ giữ PHẦN LỚN cổ phần và nắm quyền KIỂM SOÁT đối với BLĐ, nơi họ am hiểu và có tác động lên DN hơn bất kỳ ai khác.

Chính cái quyền kiểm soát của cổ đông lớn và sự am hiểu DN của người nội bộ (insight) là lý do họ đã vô cùng thành công với các khoản đầu tư đó. Mà để làm được vậy, họ đã tích lũy một số vốn lớn bằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư khi còn trẻ.
Năm 1951, sau khi tốt nghiệp đại học, ngài Buffett đã biến số vốn 9,800 USD thuở đầu thành 174,000 USD vào năm 1956 nhờ vào việc đa dạng hóa hàng chục các món hời dựa trên tài sản, cộng thêm một vài thương vụ chênh lệch giá. Tiếp theo vào năm 31 tuổi, ông đã trở thành triệu phú nhờ lập quỹ Buffett Partnership Ltd. Quỹ của ông đa dạng hóa từ 15-30 cơ hội đầu tư!
Hay Bill Gates, Jefff Bezos và các tỷ phú startup đa dạng hóa?
“Vậy thì các tỷ phú công nghệ thì sao? Nếu họ có thể trở thành tỷ phú trong 10-20 năm nhờ những đột phá công nghệ, tại sao chúng ta không tìm ra một DN như Microsoft, Amazon, Apple và giữ chúng hàng chục năm như họ làm?”
Tương tự như trên, câu trả lời thành thục là những vị tỷ phú này sáng lập ra và điều hành DN của họ. Họ có quyền kiểm soát tài chính, sáng tạo & điều hành nhân sự theo tầm nhìn tuyệt vời của họ. Những NĐT nhỏ lẻ như chúng ta gần như phải “phó thác” toàn bộ số vốn liếng cho những nhà quản trị mà chúng ta có thể chưa đủ hiểu rõ!
Và trên thực tế số DN may mắn tăng trưởng hàng thập kỷ như trên là rất rất hiếm – họa thay chỉ chiếm dưới 2% tổng số DN trên sàn chứng khoán. Chúng ta có thể sinh lời với Microsoft, Amazon và cũng có thể mất trắng với Enron, Pets.com,….- nếu ta chọn cách tập trung toàn bộ gia tài vào 1, 2 cổ phiếu mà cho là triển vọng.
Câu hỏi 2: Nếu NĐT không đa dạng hóa thì sao?
Mark Twain từng nói “Lịch sử thì không lặp lại, nhưng giai điệu của nó vẫn giữ nguyên”. Cho nên, một lần nữa hãy cùng xem lại những tấm gương thảm bại của các huyền thoại khác trên thế giới để soi xét lại tư duy đầu tư!
Bill Ackman – sai lầm vì rủi ro đạo đức quản trị
Bill Ackman, người từng lọt vào top 20 quỹ sinh lời nhất mọi thời đại, để rồi sau đó mất -50% NAV chỉ vì ông tập trung danh mục vào sai doanh nghiệp.
Khi còn trẻ, vào thập niên 1990, Quỹ Gotham Partners LP của ông từng phá sản vì ông tập trung vào vài cổ phiếu, trong đó có Gotham Golf nợ nần chồng chất. Năm 2015, sau hơn chục năm thành công với Quỹ Pershing Square, ông đầu tư đến 40% danh mục trị giá 19 tỷ USD (chỉ sở hữu chưa đầy 10 cổ phiếu) vào Valeant Pharmaceuticals. CEO của DN trên đã bị FDA điều tra về hành vi gian lận kế toán, đẩy giá thuốc và hậu quả là cổ phiếu VRX đã giảm 95% vốn hóa trong vòng nửa năm.
Cho đến nay, Bill Ackman thừa nhận rằng ông đã sai, và ông không còn cảm thấy vui vẻ gì nữa. Ông đã làm mất hàng tỷ đô của NĐT, chỉ vì không lường trước được rủi ro đạo đức quá lớn của Valeant.

Bill Miler “đứt” chuỗi 15 năm vì tập trung vào 1 ngành
Giai đoạn 1991-2005, Bill Miler nổi lên là một nhà quản lý vĩ đại nhất khi chiến thắng thị trường 15 năm liên tiếp. Ông được khen ngợi rất nhiều, cả ngài Buffett lẫn giới báo chí. Đến 2006, có hơn 16.7 tỷ USD rót vào quỹ của ông.
Đến lúc này, khi có số tiền lớn rót vào, ông bị đặt nặng áp lực chiến thắng thị trường, ông đã bỏ quên mất các nguyên tắc an toàn. Ông mua đến hoen 70% danh mục vào ngành tài chính, mua mạnh các cổ phiếu đang tăng trưởng nóng lúc bấy giờ như Fannie Mae, Freddie Mac, Bảo hiểm AIG, ngân hàng đầu tư Bear Stearns,…
Những cái tên trên là những DN chịu thiệt hại nặng nhất trong cuộc khủng hoàng tài chính năm 2008. Khi chúng giảm mạnh, Bill Miler bị shock, ông tiếp tục mua thêm vào AIG, Bear Stearns khi chúng rớt 80-90% giá trị. Quỹ ông mất -30% NAV trong năm đó, Tổng tài sản quản lý giảm từ 17 tỷ USD xuống còn 2.8 tỷ USD. Ông bị trầm cảm, bị sa thải khỏi Legg Mason.
Đọc thêm: Bill Ackman – Sai lầm ở Valeant để lại gì?
Câu hỏi 3: Làm như thế nào để đa dạng hóa danh mục?
Nếu 1 NĐT cá nhân tập trung vào danh mục 1,2 cổ phiếu – rất có khả năng sẽ mất vốn liếng trong dài hạn với những rủi ro mà không lường trước được. Ngược lại, nếu đa dạng hóa quá mức, chẳng hạn như trên 50 cổ phiếu chỉ vì quá lo sợ, NĐT đấy sẽ biến mình thành một “kẻ ngốc” giống như lời ngài Buffett nói.
Ngài Joe Greenblatt từng đưa ra bảng ma trận rủi ro vi mô trong quyển “You can be a stock market genius, 1997”.

Mặc dù, tính chính xác nguồn thống kê của ngài Greenblatt khó xác thực được nhưng lại vô cùng hợp lý. Rủi ro vi mô là những rủi ro nội tại của DN, bao gồm đạo đức ban quản tri, những thay đổi lớn trong ngành, tình hình cạnh tranh và quản lý kế toán. Đây là những rủi ro mà hầu hết các NĐT cá nhân rất khó để kiểm soát nếu họ không phải là người nội bộ, hoặc có vốn đủ lớn để chi phối công ty. Do đó, sau thống kê đưa ra trên và nhiều năm kinh nghiệm đầu tư thành công, ngài Joe Greenblatt đã đúc kết được 2 bài học lớn cho các NĐT cá nhân:
- Sau khi mua 6-8 cổ phiếu ở những ngành nghề khác nhau, nỗ lực mua thêm cổ phiếu để giảm rủi ro vi mô là rất nhỏ.
- Rủi ro vĩ mô của toàn TTCK không bị giảm đi khi bạn mua thêm nhiều cổ phiếu.
Đọc thêm: NGÀNH CHỨNG KHOÁN – Điểm Cộng & Cách nhìn nhận (P1)
Lời cuối, rủi ro vi mô, rủi ro ngành và rủi ro vĩ mô luôn tồn tại
Khi đầu tư thành công, 1 NĐT thông thái nên tự hỏi rằng: “Mình đầu tư giỏi thật sự hay Mình đang may mắn?”. Từ đó đưa ra các nguyên tắc đầu tư cho bản thân, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc!
Thuyền lên thì nước lên còn khi thủy triều xuống thì câu trả lời xác đáng về “những kẻ không mặc quần” mới lộ diện!
(Bài viết tham khảo The Golden Newsletter)