Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/01/2023.
1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô
– Đổ rất nhiều tiền vào chip bán dẫn tiên tiến: Mỹ lo sợ nếu xảy ra 1 điều với Trung Quốc
Tháng 9/2022, trên khu đất gần Columbus, Ohio, gã khổng lồ sản xuất chip Intel cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy bán dẫn mới. Một tháng sau, hãng Micron Technology chọn một địa điểm sản xuất mới gần Syracuse, NY và dự kiến sẽ chi 20 tỷ USD vào cuối thập kỷ này nhưng mức đầu tư cuối cùng có lẽ gấp năm lần con số đó. Khoản đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo công nghệ toàn cầu và địa chính trị bởi Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc trở thành một cường quốc tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất chip. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, hơn 35 công ty trên toàn nước Mỹ đã cam kết đầu tư tổng cộng gần 200 tỷ USD cho các dự án sản xuất liên quan đến chip kể từ mùa xuân năm 2020.
Tuy nhiên, tăng cường đầu tư khó có thể loại bỏ sự phụ thuộc của Mỹ vào những con chip tiên tiến nhất do Đài Loan sản xuất. Intel từ lâu đã dẫn đầu trong cuộc đua thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn, cho phép càng nhiều bóng bán dẫn được lắp vào một con chip. Tốc độ thu nhỏ thường được mô tả bằng nanomet hoặc một phần tỷ mét, con số càng nhỏ càng cho thấy kỹ thuật sản xuất tiên tiến hơn. Trong những năm gần đây, TSMC đã vượt lên dẫn trước trong những năm gần đây. Nhưng nhà máy Phoenix của TSMC có thể không có trong tay công nghệ sản xuất tiên tiến nhất. TSMC ban đầu thông báo, họ sẽ sản xuất chip công nghệ 5 nanomet tại nhà máy Phoenix, sau đó vào tháng 12 năm ngoái họ cho biết sẽ sản xuất chip công nghệ 4 nanomet vào năm 2024 và xây dựng một nhà máy thứ hai để bắt đầu sản xuất chip công nghệ 3 nanomet vào năm 2026. Ngược lại, nhà máy của TSMC tại Đài Loan đã bắt đầu sản xuất chip công nghệ 3 nanomet vào cuối năm 2022. Handel Jones, Giám đốc điều hành của International Business Strategies, cho biết nhà máy ở Đài Loan có thể bắt đầu cung cấp chip công nghệ 2 nanomet cho Apple vào năm 2025.
Không rõ liệu các nhà sản xuất chip khác có mang công nghệ tiên tiến hơn đến cơ sở mới của họ hay không. Samsung Electronics có kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào một nhà máy mới ở Texas , nhưng chưa tiết lộ công nghệ sản xuất. Intel đang sản xuất chip với công nghệ 7 nanomet, mặc dù Intel cho biết các nhà máy của họ tại Mỹ sẽ bắt đầu sản xuất chip công nghệ 3 nanomet vào năm 2024, thậm chí nâng cấp các sản phẩm tiên tiến hơn ngay sau đó. Đầu tư bùng nổ có thể sẽ làm giảm nhưng không xóa bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc của Mỹ vào châu Á đối với các loại chip khác. Các nhà máy nội địa của Mỹ chỉ sản xuất khoảng 4% sản lượng chip nhớ toàn cầu, vốn cần thiết để lưu trữ dữ liệu trong máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng khác.
Nhưng những loại chip có công nghệ càng cũ, càng đơn giản vẫn có khả năng thiếu hụt. Trong hai năm qua, các loại chip này đã thiếu hụt nghiêm trọng đến mức các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải đóng cửa các nhà máy để sản xuất bán thành phẩm. Mặc dù TSMC là nhà sản xuất chính của một số chip này nhưng họ đang tập trung đầu tư mới vào việc sản xuất chip tiên tiến có lợi nhuận cao hơn. Các nhà máy sản xuất chip thường yêu cầu kỹ thuật viên vận hành máy móc của nhà máy, cũng như các nhà khoa học trong các lĩnh vực như kỹ thuật điện và hóa học. Sự thiếu hụt nhân tài là một trong những thách thức khó khăn nhất của ngành.
=>>> Nhận xét: Có vẻ như, ngành sản xuất chíp đang được đầu tư mạnh bởi Mỹ, và vẫn đang có xu thế phát triển mạnh những sản phẩm tiên tiến hơn. Thế nhưng ngoài những khó khăn đặc trưng của ngành như thiếu hụt nhân tài, việc cạnh tranh và phụ thuộc nặng nề vào thị trường sản xuất của Trung Quốc sẽ là bài toán đáng lo cho kinh tế Mỹ nhìn chung.

Chính phủ Mỹ đang nỗ lực đầu tư vào bán dẫn. Ảnh: NYT
– Bất động sản văn phòng của Hồng Kông “thừa mứa”, chờ đợi được lấp đầy trong mòn mỏi
Nhu cầu từ các công ty đại lục dự kiến sẽ không theo kịp với sự gia tăng nguồn cung bất động sản văn phòng tại Hồng Kông. Các nhà phân tích cho biết thị trường bất động sản văn phòng của Hồng Kông đang trên đà dư thừa lớn nhất trong gần 20 năm qua dù cho đang có hy vọng le lói về việc mở cửa trở lại biên giới sẽ thúc đẩy nhu cầu từ đại lục. Trung tâm tài chính đã hy vọng rằng các công ty Trung Quốc sẽ quay trở lại sau gần ba năm hạn chế đi lại dọc biên giới với Thâm Quyến. Thế nhưng, một loạt các dự án xây dựng mới hoàn thành và sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc có thể khiến cung và cầu mất cân bằng trong nhiều tháng tới.
Chính vì thế, sự phục hồi của nhu cầu cho thuê sẽ diễn ra từ từ chứ không ‘vội vàng’. Các công ty Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính cũng như bảo hiểm dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn phần còn lại. Cushman & Wakefield dự kiến sẽ có thêm 177.000m2 diện tích văn phòng mới trên toàn thành phố, nâng tổng mức khả dụng lên 19% vào cuối năm nay. Hồng Kông chưa từng trải qua tình trạng dư thừa BĐS nhiều như vậy kể từ quý đầu tiên của năm 2004. Một công ty bất động sản khác là Colliers dự đoán tổng diện tích sàn là 297.000m2 sẽ được bổ sung vào năm 2023 nhưng cho biết giá thuê văn phòng ở khu vực trung tâm thương mại vẫn có thể tăng 4% do nhu cầu của các công ty Trung Quốc về mặt bằng đắc địa. JLL dự báo giá thuê sẽ tăng 5% trong năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng các công ty đại lục sẽ dẫn đầu nhu cầu sau khi việc cho thuê bị tạm dừng trong vài năm qua do các biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với bất kỳ ai đi lại giữa thành phố này và đại lục. Hồng Kông đã từng là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới do không gian hạn chế và vị trí chiến lược, mặc dù giá thuê trung bình cho văn phòng hạng A vào năm 2021 đã giảm xuống mức của năm 2016. Một số tòa nhà văn phòng mới dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay. Tại Central, khu kinh doanh chính của thành phố, CK Asset Holdings của ông trùm bất động sản Li Ka-shing sẽ hoàn thành tòa nhà Cheung Kong Centre II cao 41 tầng. The Henderson cũng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Nhà đấu giá Christie và công ty đầu tư The Carlyle Group chuẩn bị chuyển đến. Tỷ lệ trống tổng thể của văn phòng hạng A đạt mức cao nhất mọi thời đại là 15,1% vào năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ trước đại dịch và vượt qua các mức chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua, theo CBRE. Vào tháng 11, chính phủ đã hạ dự báo cả năm xuống mức giảm 3,2%.
=>>> Nhận xét: Nền kinh tế của Hồng Kông phụ thuộc nhiều tiêu dùng và hoạt động của đại lục. Việc đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 cùng với các hạn chế khác về đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho tăng trưởng. Trong khi bất động sản trên thế giới đều có xu hướng giảm nhìn chung, Hồng Kông do bối cảnh nội tại phức tạp, bất động sản của đất nước này có vẻ đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
– Tăng tốc giải ngân đầu tư công, những nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Năm 2023, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và tiêu dùng có thể chững lại khi kinh tế các nước đối tác suy thoái và tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh như năm trước. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank đánh giá Chính phủ sẽ tăng tốc giải ngân đầu tư công trong năm 2023. Tổng mức vốn NSNN kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020. Với tốc độ giải ngân chậm năm 2021-2022, Agriseco cho rằng năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch Covid – 19, giá nguyên vật liệu tăng cao.
Trong năm 2023, Chính phủ nâng tổng vốn đầu tư công lên 700 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với kế hoạch 2022). Số vốn này đã bao gồm vốn cho các dự án trong Chương trình phục hồi và phát tiển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản giúp thúc đẩy đầu tư công và thành lập các tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc giải ngân đầu tư công. Việc Quy hoạch phát triển vùng/địa phương đang được tích cực triển khai kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mạnh để triển khai dự án mới. Với kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ cải thiện mạnh mẽ trong các năm tới, Agriseco Research kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics.
Nhóm vật liệu xây dựng (bao gồm thép, đá, xi măng, nhựa đường), được đội ngũ phân tích đánh giá được hưởng lợi lớn nhất từ “cú hích” đầu tư công. Nhóm này sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, đặc thù của từng ngành khiến mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau. Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành. Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp VLXD (thép, xi măng), biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho 1 vài nhóm ngành VLXD như thép và xi măng. Trong khi giá thép có thể sẽ dừng đà giảm và dần bước vào chu kỳ tăng giá trở lại, nhu cầu và điều kiện nhập khẩu của clinker của Trung Quốc được cải thiện sẽ làm giảm bớt áp lực dư cung của thị trường xi măng khu vực phía Bắc. Nhóm xây dựng hạ tầng, công trình được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án). Đối với nhóm logistics, đội ngũ phân tích dự báo nhóm này có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn nhiều, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Các đại dự án như Sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hàng khách khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác. Nhóm cổ phiếu BĐS dân dụng và BĐS KCN cũng được hưởng lợi gián tiếp từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua và hút dòng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên thận trọng vì nhóm này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro chưa được giải quyết.
=>>> Nhận xét: Đầu tư công đang là một trong những kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư, đặc biệt, với những ngành tiềm năng được hưởng lợi như hạ tầng giao thông. Thế nhưng cho dù bất động sản vẫn được đánh giá là được hưởng lợi gián tiếp, thế nhưng những rủi ro hiện tại vẫn là mối lo ngại cho việc kỳ vọng sự tăng trưởng của ngành này.
2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
DGC: Cổ phiếu TSB tăng hơn 200% trong 1 tháng: Hóa Chất Đức Giang (DGC) “nhảy vào” công ty Ắc quy Tia sáng khi Vinachem thoái vốn?
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 4/1 vừa qua, bà Bùi Thị Hà Thu đã mua thành công gần 3,1 triệu cổ phiếu TSB của CTCP Ắc quy Tia sáng (Tibaco) và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này với tỷ lệ sở hữu 45,9% vốn điều lệ. Trước đó, bà Thu chưa sở hữu cổ phiếu TSB nào. Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thu Hà mua 343.995 cổ phiếu và nâng sở hữu tại TSB từ 0% lên 5,1%, trở thành cổ đông lớn thứ 2. Tổng lượng cổ phiếu 2 cá nhân này mua thành công là hơn 3,44 triệu cổ phiếu tương đương 51% vốn điều lệ, bằng lượng cổ phiếu TSB mà Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) đã thoái vốn. Thông báo trước đó cho biết, tại phiên đấu giá ngày 3/1, toàn bộ hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB do Vinachem sở hữu đã được bán cho 2 nhà đầu tư cá nhân với giá bằng mức giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được gần 135 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của bên CafeF, bà Bùi Thị Hà Thu – người vừa mua 45,9% cổ phần của Tibaco là vợ của ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc CTCP Hóa Chất Đức Giang (DGC). Rất có thể Hóa Chất Đức Giang mới là người mua thực sự phần vốn mà Vinachem thoái khỏi công ty sản xuất ắc quy 63 năm tuổi này. Hóa Chất Đức Giang là doanh nghiệp hóa chất tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay với sản phẩm chủ lực là phốt pho vàng. Đây cũng là nguyên liệu chính để sản xuất chip (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin). Nắm bắt nhu cầu này, DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium đang bùng nổ. Một số sản phẩm mẫu đã được gửi cho mảng xe điện VinFast và các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Ắc quy Tia sáng sản xuất các loại ắc quy chì – axit tích điện khô, ắc quy kín khí miễn bảo dưỡng, kinh doanh các nguyên vật liệu, vật tư thuộc ngành sản xuất ắc quy, xuất nhập khẩu trực tiếp ắc quy các loại, các phụ kiện, nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất ắc quy và thiết bị máy móc phục vụ sản xuất ắc quy… Trong 1 tháng qua, với thông tin thoái vốn của Vinachem, cổ phiếu TSB tăng trần liên tục, từ mức 9.600 đồng (giá đóng cửa phiên 16/12) lên 30.000 đồng (giá đóng cửa phiên 12/1), tương ứng mức tăng 212,5%. Dù vậy, mức giá này vẫn còn cách gần 20% so với mức giá thoái của Vinachem. Trong văn bản giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, Ắc quy Tia sáng khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong 3 năm qua, Ắc quy Tia sáng duy trì mức lợi nhuận sau thuế 4,5 – 4,6 tỷ đồng/năm. TSB có tiền thân là nhà máy ắc quy Tam Bạc, được thành lập ngày 2/9/1960, đến ngày 26/5/1993, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Ắc quy Tia Sáng. Đến tháng 10/2004, Công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần thuộc Vinachem.
=>>> Nhận xét: Việc mua vào TSB do sự thoái vốn của Vinachem của Hoá Chất Đức Giang có thể để phục vụ mặt hàng phốt pho mới dùng cho công nghiệp pin. Đặc biệt với sự bùng nổ của ngành chip, DGC có thể đáng được quan tâm với tầm nhìn dài hạn, tuy nhiên là một Doanh nghiệp chu kỳ, Doanh nghiệp này đồng thời có những rủi ro nhất định.
3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Dự báo bất ngờ về diễn biến giá đất nền phía Nam trong năm 2023
Theo Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2022 của DKRA Việt Nam, trong năm 2022, nguồn cung đất nền mới đạt 6.806 nền, tăng 9% so với năm 2021, trong đó 2 tỉnh Long An và Bình Dương chiếm khoảng 74,5% tổng cung toàn thị trường. Trong năm 2022, nguồn cung tập trung chủ yếu vào 6 tháng đầu năm (khoảng 4.561 sản phẩm), gấp 2 lần nguồn cung 6 tháng cuối năm (khoảng 2.245 sản phẩm). Riêng quý 4/2022, chỉ đạt khoảng 14% tổng nguồn cung của năm. Sức cầu chung toàn thị trường giảm nhẹ, lượng tiêu thụ ghi nhận giảm khoảng 2% so với năm 2021, riêng hai tỉnh Long An và Bình Dương chiếm gần 85% lượng tiêu thụ toàn thị trường. Sức cầu thị trường bắt đầu giảm mạnh từ giữa năm kéo dài đến hết quý 4 và chưa có dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi lớn trong ngắn hạn.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động và duy trì xu hướng đi ngang trong năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường 6 tháng cuối năm nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu (6% – 16%) đối với phương thức thanh toán nhanh, chương trình cam kết mua lại,… để kích cầu thị trường. Thị trường thứ cấp có nhiều biến động trong năm, thanh khoản giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022. Mặt bằng giá thứ cấp giảm mạnh so với năm 2021, mức giảm ghi nhận dao động trung bình 12% – 20%, nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá bán, cắt giảm một phần lợi nhuận nhằm mục đích thu hồi dòng vốn, giảm áp lực tài chính khi lãi suất vay tăng cao. Tuy nhiên với tâm lý chờ “bắt đáy”, “săn giá tốt” của người mua nên giao dịch thành công khá khiêm tốn.
Nhận định về triển vọng phân khúc đất nền 2023, chuyên gia DKRA dự báo nguồn cung đất nền trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022, dao động khoảng 6.200 nền. Nguồn cung chủ yếu tập trung tại các dự án đã mở bán trước đó, phân bổ phần lớn tại hai địa phương là Long An và Bình Dương. Trong đó, Long An dự kiến khoảng 3.100 nền, Bình Dương khoảng 1.200 nền được đưa ra thị trường. Việc các địa phương ngày càng mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn cung mới trong thời gian tới.
Sức cầu chung toàn thị trường dự báo giảm nhẹ so với năm 2022, xu hướng giảm kéo dài đến hết quý 3 trước khi có những hồi phục nhất định vào quý 4. Thị trường tập trung ở những dự án pháp lý hoàn thiện và hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với TP.HCM. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì mức ổn định, khó có những sự tăng giá đột biến trong năm 2023. Thị trường thứ cấp duy trì thanh khoản ở mức trung bình, giao dịch tập trung ở những dự án đã có sổ hồng và nằm gần khu dân cư. Mặt bằng giá bán thứ cấp dự báo sẽ giảm nhẹ, nhất là trong những tháng đầu năm 2023.
=>>> Nhận xét: Như vậy, với chiến thuật chiết khấu để giải quyết vấn đề thanh khoản, có lẽ ngành bất động sản miền nam quý tới có thể kỳ vọng được bớt rủi ro. Thế nhưng do tiêu cực của ngành bất động sản nhìn chung, sự tăng trưởng mạnh khó được kỳ vọng cho bất động sản phía nam.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 13.01.2023
________
Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin:
- Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
- Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
- Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/
- Khoá học đọc vị cổ phiếu: https://docvicophieu.azfin.vn/
- Khoá học chinh phục cổ phiếu ngân hàng: https://chinhphuccophieunganhang.azfin.vn/