Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/08/2022.
Điểm tin chứng khoán vĩ mô
Sau chuyến thăm “gây tranh cãi” của bà Pelosi, một phái đoàn nghị sỹ Mỹ vừa đến Đài Loan
Mới đây, một phái đoàn nghị sĩ Mỹ do Thượng nghị sĩ Ed Markey dẫn đầu đã hạ cánh xuống đảo Đài Loan để thực hiện chuyến thăm kéo dài hai ngày. Phái đoàn sẽ gặp mặt nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Joseph Wu và các quan chức cấp cao địa phương, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hai bên sẽ thảo luận về quan hệ song phương, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu và một số vấn đề quan trọng khác mà cả hai cùng quan tâm, Viện Mỹ tại Đài Loan thông báo riêng.
Cùng với Thượng nghị sĩ Markey (Đảng Dân chủ), phái đoàn bao gồm các hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ là John Garamendi, Alan Lowenthal và Don Beyer, và hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà Aumua Amata Coleman Radewagen.
Còn nhớ, chuyến thăm Đài Loan trước đó của bà Pelosi đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Bắc Kinh chỉ trích chuyến đi của bà Pelosi là vi phạm cam kết của Washington nhiều thập kỷ trước, rằng Mỹ sẽ không chính thức công nhận chính quyền Đài Loan – nơi Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.
- Có thể thấy, động thái này của Mỹ có thể làm căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt ngay sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ chưa đầy một tháng trở lại đây.

Xem thêm: PLC- Thành bại từ đầu tư công
Trung Quốc: Đơn hàng của khách nước ngoài sụt giảm
Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất từ đồ trang trí Giáng sinh cho đến quần áo đều chia sẻ với Bloomberg rằng các đơn hàng từ khách nước ngoài đang cạn dần, một số dự đoán kịch bản khả quan nhất mà họ có thể nhắm đến là nhu cầu sẽ đi ngang so với một năm ngoái. Thông tin từ hàng loạt nhà máy ở các trung tâm sản xuất chính của Trung Quốc cho thấy người tiêu dùng trên toàn cầu đã thắt chặt chi tiêu để ứng phó với cú sốc giá và có thể sẽ thận trọng trong một thời gian dài.
Bà Wendy Ma – Giám đốc Marketing tại một công ty dệt máy ở thành phố Ninh Ba, cho hay: “Người tiêu dùng không có tiền để chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao như bây giờ”. Theo bà, sự sụt giảm nhu cầu này diễn ra rất đột ngột.
Vị nữ giám đốc cho biết so với cùng kỳ năm trước, các đơn hàng từ nút áo, khoá kéo đến chỉ khâu đã sụt giảm khoảng 30% trong tháng 7 và tháng 8 do nhu cầu từ những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đi xuống.
Bên cạnh đó, Ông Larry Hu – trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, bình luận: “Nhận định chung là tăng trưởng xuất khẩu của đất nước tỷ dân sẽ chững lại trong những tháng tới và có thể đạt mức âm vào cuối năm”. Ông lưu ý rằng nhu cầu đối với hàng hoá Trung Quốc sẽ giảm từ từ, thay vì đột ngột sụp đổ.
- Chúng tôi nhận định tình trạng này sẽ còn diễn ra dai dẳng và khó có thể được hỗ trợ bởi thị trường quê nhà. Cụ thể, ở thị trường nội địa, chiến lược Zero COVID đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng trong nước. Bức tranh tương lai kinh doanh của đất nước tỷ dân đang tương đối bấp bênh, đồng thời đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại bởi tình trạng này có thể làm tăng thêm sức nặng cho các cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.

Phó chủ tịch Viforest: Sau quyết định sơ bộ lẩn tránh thuế CBPG, hoạt động xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam liệu sẽ bị tác động như thế nào?
Theo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với mức thuế tương tự như đang áp dụng với Trung Quốc lần lượt là 183,36% và 22,98 – 194,9%.
Gỗ dán là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ vào Mỹ. Do đó, câu hỏi đặt ra là quyết định này liệu sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Để trả lời cho điều này, ông Ngô Sỹ Hoài (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- Viforest) nhận định: Quyết định của Mỹ sẽ có tác động lớn đến việc xuất khẩu gỗ nói chung và gỗ dán nói riêng sang Mỹ. Theo số liệu thống kê, năm ngoái Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng sang thị trường này thu về 511 triệu USD nhưng năm nay với phán quyết sơ bộ vừa công bố, chắc chắn sẽ khiến phía Mỹ e ngại trong việc nhập khẩu gỗ dán Việt Nam do lo ngại nguy cơ bị áp thuế cao tương tự Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm: “Đây chưa phải là quyết định cuối cùng nên mọi ước tính thời điểm này đều chưa đúng. Sắp tới Việt Nam sẽ có phản biện, tham dự phiên điều trần theo quy định, do đó, tôi hy vọng vụ việc sẽ được kết thúc không gây quá nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam bởi đây là thị trường quan trọng của ngành gỗ. Theo thống kê, xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, do đó, bất kỳ diễn biến bất lợi nào cho doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu vào Mỹ, đồng nghĩa ảnh hưởng đến tổng kim ngạch của ngành gỗ.”
- Do gỗ dán là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ vào Mỹ, việc Mỹ e ngại trong việc nhập khẩu gỗ dán Việt Nam do lo ngại nguy cơ bị áp thuế cao như Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng gỗ dán vào Mỹ. Vì vậy, thời điểm này cho đến lúc phía Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng của vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn cần phải tận dụng cơ hội phản biện, tham gia điều trần, đồng thời cần đa dạng hóa thị trường để không bị thiệt hại nặng nề khi “bỏ trứng vào một giỏ”.

Xem thêm: TPB- Cập nhật KQKD Quý 2/2022
Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
HDB: Trình kế hoạch hỗ trợ tổ chức tín dụng gặp khó khăn, phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế
Trong công bố tài liệu về việc lấy ý kiến cổ đông trong kế hoạch hỗ trợ một tổ chức tín dụng gặp khó khăn, HDB sẽ mua lại 100% vốn điều lệ (vốn góp tối đa tại thời điểm mua lại là 9 nghìn tỷ đồng và các đợt góp vốn trong tương lai dựa theo kế hoạch được chấp thuận).
Tổ chức tín dụng được chỉ định (DCI) sẽ hoạt động như một ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, sẽ vẫn là một pháp nhân độc lập với bên mua lại. Chế độ kế toán đặc biệt sẽ được áp dụng. HDB được miễn hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng được chỉ định. HDB có thể loại trừ tổ chức tín dụng được chỉ định khi tính toán hệ số CAR. HDB không phải trích lập dự phòng đối với phần vốn góp vào tổ chức tín dụng được chỉ định và có thể loại trừ tổ chức tín dụng được chỉ định khi tính toán giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDB. – HDB tham gia hỗ trợ DCI về quản trị, điều hành, hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác theo phương án đã được phê duyệt.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, HDB sẽ thực hiện theo chương trình “Euro Medium Term Note” với những điểm chính: “Trái phiếu không chuyển đổi và sẽ được tính là nguồn vốn cấp 2. Tổng giá trị phát hành: 900 triệu USD – Mệnh giá tối thiểu là 50.000 USD. Thời gian phát hành: 2022-2024, tùy thuộc vào quyết định của HĐQT, điều kiện thị trường và sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Thời hạn: 3 đến 10 năm – Thị trường niêm yết: Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST)”.
- Chúng tôi nhận định: (1): Thông qua việc hỗ trợ DCI, HDB kỳ vọng ngân hàng sẽ nhận được cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tín dụng và mở rộng mạng lưới hoạt động; (2): Về kế hoạch phát hành trái phiếu, vì những trái phiếu này đủ điều kiện là nguồn vốn cấp 2, HDB có thể duy trì hệ số CAR, đồng thời có cơ sở vốn mạnh để tận dụng tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Xem thêm: MSB- Cốt lõi tăng trưởng mạnh mẽ
Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
6,1% Dân số Việt Nam sở hữu tiền điện tử, xếp hạng thứ 11 trên thế giới

Theo công bố mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), khoảng 6,1% dân số Việt Nam hiện đang sở hữu tiền số, đứng thứ 11 thế giới, ngay trên Thái Lan (5,2%).
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá cao nhất ở mức 9,4% (cao thứ 4 trên thế giới). Năm ngoái, theo báo cáo chỉ số đón nhận tiền mã hoá toàn cầu của Chainalysis, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ đón nhận tiền mã hoá tích cực nhất.
Theo báo cáo của UNCTAD, 15/20 quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá lớn nhất thế giới thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển. Tổ chức này nhận định 2 lý do tiền mã hoá được đón nhận ở thời điểm hiện tại là khả năng hỗ trợ chuyển tiền nhanh chóng, chi phí thấp đồng thời nhiều người nhìn nhận nó như một cách để “trú ẩn” khỏi lạm phát. UNCTAD cũng cho biết việc sử dụng tiền mã hoá trên toàn cầu có xu hướng tăng mạnh trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
- Chúng tôi nhận định tiền kỹ thuật số đã, đang và sẽ có nhiều dư địa phát triển trong tương lai, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, với đặc thù là loại tài sản với độ rủi ro cao, tiền kỹ thuật số vẫn cần được chính phủ kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro mang lại, đồng thời tận dụng được hết tính năng của đồng tiền này trong việc phát triển nền tài chính quốc gia.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 15/08/2022
Trên đây là bản tin kinh tế vĩ mô đầu ngày của AzFin Việt Nam. Để tìm hiểu kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, tự phân tích cổ phiếu và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có thể tham khảo khóa học “Đọc vị cổ phiếu” của AzFin.
————
Website: https://azfin.vn/
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
Tham khảo các khóa học khai giảng tháng 8 của chúng tôi:
Đọc vị cổ phiếu chuyên sâu: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/doc-vi-co-phieu-chuyen-sau
Chinh phục Cổ phiếu Ngân hàng: https://academy.azfin.vn/khoa-hoc/chinh-phuc-co-phieu-nganh-ngan-hang