Điểm tin chứng khoán ngày 24.08.2022

bởi Hà Giang

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/08/2022.

Điểm tin chứng khoán vĩ mô

Hạn hán đe dọa 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Thời tiết nắng nóng và khô hạn cực điểm đang hoành hành ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đặt ra thêm thách thức đối với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đúng lúc tăng trưởng đang giảm tốc mạnh và giá cả không ngừng leo thang.

Ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, tất cả các nhà máy phải đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm điện. Tàu chở than và hoá chất không thể di chuyển bình thường trên sông Rhine ở Đức. Và người dân sống ở vùng Bờ Tây của nước Mỹ được yêu cầu giảm tiêu thụ điện giữa lúc nhiệt độ tăng mạnh.

Không chỉ sông Rhine, những con sông giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu như sông Dương Tử ở Trung Quốc, sông Danube ở châu Âu và sông Colorado ở Mỹ đều đang có mực nước giảm mạnh. Tình trạng này gây cản trở hoạt động vận tải hàng hoá, tưới tiêu, phát điện, sản xuất tại các nhà máy. Cùng với đó, cái nóng thiêu đốt đang gây sức ép lên mạng lưới vận tải, nguồn cung điện và năng suất lao động của công nhân.

  • Thời tiết cực đoan có thể làm trầm trọng thêm những nút thắt sẵn có trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, việc tỉnh Tứ Xuyên- trung tâm sản xuất chip/ pin năng lượng/ ngành khai mỏ lithium, phải đóng cửa tạm thời nhiều nhà máy để cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công ty điện tử lớn nhất thế giới như FoxxCon và Intel, hay đẩy giá lithium lên cao, ảnh hưởng đến ngành sản xuất xe điện. Bên cạnh đó, mực nước sông Rhine ở Đức- tuyến vận tải huyết mạch giảm sâu khiến việc vận chuyển ngũ cốc/ hàng hóa cơ bản như than bị đình trệ. Chuyên gia dự báo các nhà máy hóa chất hay thép bắt buộc phải đóng cửa chỉ còn là vấn đề thời gian trước tình hình nguyên vật liệu không thể được vận chuyển. Cuối cùng, ở Mỹ, nhiều chính phủ liên bang phải áp lệnh cắt giảm nước bắt buộc bởi các hồ dự trữ dần cạn nước. Đặc biệt, do thị trường xuất- nhập khẩu của Việt Nam bao gồm cả 3 khu vực Mỹ, Trung Quốc và EU, nên không ngoại trừ khả năng nếu 3 thị trường này “hắt hơi”, Việt Nam sẽ có thể “bị cảm lạnh”.
Mực nước giảm xuống thấp để lại ngấn nước trên vách đá ở đập Hoover/hồ Mead trên sông Colorado ở Mỹ.

Xem thêm: Top 5 ngành tăng trưởng mạnh cuối năm 2022

Pakistan- Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp định ưu đãi thương mại, xuất khẩu của Việt Nam bị tác động ra sao?

Mới đây, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA), bước đầu tiên thực hiện “Hiệp định khung về thiết lập khu vực mậu dịch tự do Pakistan-Thổ Nhĩ Kỳ” ký ngày 22/03/2016. Theo hiệp định này, Thổ Nhĩ kỳ dành cho Pakistan mức thuế ưu đãi cho 231 dòng thuế và Pakistan dành cho Thổ Nhĩ Kỳ mức thuế ưu đãi cho 130 dòng thuế. Hai nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nước thêm 5 tỷ USD sau khi ký hiệp định.

Tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Thương mại Pakistan đánh giá PTA sẽ giúp hàng xuất khẩu của Pakistan có ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia. Trong số 261 dòng thuế, Pakistan được hưởng ngay mức thuế 0 % đối với 123 dòng thuế (5 mặt hàng nông sản và 118 mặt hàng công nghiệp, mức thuế hiện hành là 22-23 %), 92 dòng thuế được giảm dần mức thuế về 0 % trong 5-10 năm, 5 dòng thuế được giảm 50 %, 14 dòng thuế còn lại được hưởng thuế ưu đãi theo hạn ngạch.

Tại thị trường Pakistan, trong số 130 dòng thuế thì Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng ngay mức thuế 0% đối với 16 dòng thuế (bột ca cao, sợi acrylic và xơ tổng hợp, sợi tổng hợp, chè đen, đầu nhận internet, máy cuốn dây, vị thực phẩm, thiết bị thu phát, en-zim, nguyên liệu nền kẹo cao su). 16 dòng thuế được giảm dần mức thuế về 0 % trong 5 năm (sô-cô-la vụn, bột nở hoạt tính, vị thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm phòng thí nghiệm, kẹp sắt, dây đồng 6mm, van giảm áp, khóa trượt) và 10 năm (kẹp, móc sắt hoặc thép, phụ kiện lắp ghép bàn ghế, linh kiện máy phân loại, sàng, xay, thiết bị truyền thanh…), các dòng thuế còn lại được giảm 20-50 %.

  • Việt Nam bị ảnh hưởng 13 dòng thuế, trong đó có 3 mặt hàng có kim ngạch lớn là chè đen, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nền kẹo cao su. Trong đó, mặt hàng chè đen và nguyên liệu nền kẹo cao su sẽ bị ảnh hưởng ngay vì thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này từ Thổ Nhĩ Kỳ được giảm ngay về 0% (Việt Nam chịu thuế 11 %) còn mặt hàng thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng chậm hơn vì thuế nhập khẩu mặt hàng này từ Thổ Nhĩ Kỳ được giảm dần về 0 % trong 5 năm (Việt Nam chịu thuế 20 %). Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan giảm 2% do ảnh hưởng của hiệp định ưu đãi thương mại Pakistan-Thổ Nhĩ Kỳ.

Áp thuế chống bán phá giá , việc xác định xuất xứ đường nhập khẩu từ ASEAN mở ra hy vọng cho đường nội

Trong thời gian qua, đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp bởi lượng đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch. Đến nay, sau thời gian điều tra, Bộ Công Thương đã có quyết định chính thức trong việc ngăn chặn sự chèn ép của đường Thái Lan “mượn” xuất xứ các nước ASEAN vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Công Thương mới đây đã có quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. 

Về toàn cảnh ngành mía đường 7T/2022, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), đến ngày 31/7 ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng 11,6% về lượng mía ép và 7,5% về lượng đường so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020- 2021. VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,5 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 – 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022.

  • Có thể thấy, việc áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đường nhập khẩu sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp đường sẽ tiêu thụ được sản phẩm, đem về lợi nhuận; còn về dài hạn, thuế CBPG sẽ giúp phục hồi sự sụt giảm nghiêm trọng của vùng nguyên liệu mía Việt Nam.

Xem thêm: TPB- Cập nhật KQKD Q2/2022

Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

PNJ: Lũy kế 7 tháng: Lãi 1.167 tỷ, hoàn thành 88% mục tiêu lợi nhuận năm

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với 2.511 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 413,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 32 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 20.721 tỷ đồng tăng 71% so với 7 tháng năm 2021. Tổng chi phí hoạt động tăng 54,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp đạt 56,6%, giảm so với mức 58,5% cùng kỳ 2021, cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý.

Biên lợi nhuận gộp trung bình 7 tháng là 17,4%, giảm so với mức 18,6% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán của kênh bán lẻ. Kết quả, công ty thu về 1.167 tỷ đồng, tăng 66,1% so với cùng kỳ. Như vậy sau 7 tháng đơn vị đã hoàn thành 80,2% kế hoạch doanh thu và 88,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

  • Lịch sử tăng trưởng cao của PNJ đã và đang được phản ánh trong giai đoạn 2017-2022. Trong giai đoạn 2022-2023, chiến lược mới với PNJ Style có thể giúp kết quả kinh doanh của PNJ tăng trưởng khi xâm nhập được vào thị trường Millenials. Về rủi ro, sự sụt giảm sức mua đối với mặt hàng xa xỉ do áp lực về lạm phát có thể gây sức ép lên tốc độ tăng trưởng và phản ảnh vào kết quả kinh doanh hai quý cuối năm.
Lợi nhuận PNJ (T6/2021- T7/2022)

Xem thêm: STB- Trở lại?

Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Nhu cầu tăng cao, thị trường bất động sản khu công nghiệp còn nhiều tiềm năng dài hạn

Các chuyên gia cho rằng có nhiều cơ hội cho ngành bất động sản KCN khi cung – cầu ổn định. Về phía Agriseco Research, ở nhu cầu, đội ngũ phân tích cho rằng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê đất KCN sẽ tiếp tục tăng và duy trì mặt bằng cao, đặc biệt là các khu vực vùng ven trung tâm vị trí thuận lợi sẽ tăng khoảng 8-13% so với cùng kỳ. Điều này là do tỷ lệ lấp đầy trên 80%, chi phí đền bù, đầu tư và nhu cầu thuê đất đều tăng lên.

Thứ hai, nhu cầu cho thuê nhà kho/xưởng xây sẵn tiếp tục tăng, cụ thể là nhu cầu thuê của các doanh nghiệp ngành hậu cần, logictics tăng cao mở ra lợi thế cho các doanh nghiệp KCN có vị trí thuận tiện giao thương, có sẵn nhà xưởng, kho vận. Bên cạnh đó, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy ổn định cũng là yếu tố tích cực cho ngành.

Thứ ba, Việt Nam duy trì vị thế thu hút FDI trong khu vực Châu Á. Mặc dù nửa đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1%, vốn thực hiện có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại. Các dự án tiêu biểu như dự án tăng vốn đầu tư tại VSIP Bắc Ninh, Samsung Electro-Mechanics, dự án đầu tư nhà máy Carbon Lego, Pandora. Đây là minh chứng thể hiện niềm tin về sự phát triển các KCN tại Việt Nam trong các năm tới.

Thứ tư, nhu cầu ảnh hưởng từ các sự kiện kinh tế – chính trị lớn. Agriseco Research cho rằng những căng thẳng Nga – Ukraine có thể giúp tăng vị thế môi trường đầu tư tại Việt Nam trên quốc tế. Mặt khác, sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ kỳ vọng thu hút dòng vốn từ Hoa Kỳ.

Về phía cung, trong 10 năm tới, diện tích KCN dự kiến mở rộng lên 115 nghìn ha và 558 KCN với tốc độ trung bình khoảng 10%/năm tại các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (theo Quy hoạch phát triển đất giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ TN &MT). Nguồn cung tiếp tục gia tăng ở các khu vực khi Việt Nam có lợi thế lớn về quỹ đất KCN với vị trí đắc địa cho hoạt động giao thương kinh tế giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

  • Có thể thấy, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới khi cung-cầu ổn định. Một số lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp tiềm năng có thể kể đến như: (1): Sở hữu qũy đất sẵn sàng cho thuê lớn tại các khu vực tiềm năng; (2): Doanh thu chưa thực hiện cao, hoạt động kinh doanh có chuyển biến tích cực; (3): Định giá hợp lý so với trung bình ngành.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 23/08/2022

————

Website: https://azfin.vn/

 Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam

 Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin