Điểm tin chứng khoán ngày 09/01/2023

bởi khởi đăng

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/01/2023.

1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô

Các công ty Trung Quốc tìm đến Thụy Sĩ để niêm yết cổ phiếu

Trong khi các cơ quan quản lý của Mỹ cho biết họ yêu cầu thẩm tra các công ty kiểm toán của Trung Quốc cung cấp dịch vụ cho các công ty của nước này niêm yết tại Mỹ, chính quyền Thụy Sĩ và Trung Quốc đã đồng ý công nhận lẫn nhau về các quy tắc kế toán và khuôn khổ giám sát. Kể từ khi cơ chế niêm yết mới của Thụy Sĩ chính thức có hiệu lực cách đây 5 tháng, 9 doanh nghiệp Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại Zurich và huy động được tổng cộng 3,15 tỷ USD, vượt xa số tiền huy động được trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2022. Công ty mới nhất niêm yết trên Swiss Exchange (SIX) là Jiangsu Eastern Shenghong, một nhà sản xuất sản phẩm hóa chất tư nhân, vào cuối tháng 12 vừa qua. Công ty đã huy động được 718 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng có quy mô lớn nhất tại thị trường Thụy Sĩ vào năm 2022.

Cho đến nay, các công ty Trung Quốc bao gồm công ty sản xuất pin lithium Gotion High-Tech và Sunwoda Electronic, hãng sản xuất thiết bị y tế Lepu Medical Technology Beijing, hay công ty sản xuất dụng cụ cầm tay Hangzhou Great Star Industrial đều đã niêm yết tại SIX. Chương trình kết nối chứng khoán Thuỵ Sĩ và Trung Quốc thực chất được xây dựng tương tự một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh vào năm 2019, nhưng sau đó tỏ ra không mấy hiệu quả khi đến nay chỉ có 5 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán London. Trung Quốc cũng đang thảo luận về một thỏa thuận tương tự với Đức. Ringo Choi, lãnh đạo IPO châu Á-Thái Bình Dương tại EY, nói với Nikkei Asia rằng một lý do quan trọng khiến các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc niêm yết trên SIX là chính quyền Thụy Sĩ cho phép họ sử dụng các công ty kiểm toán có trụ sở tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Nikkei Asia, ít nhất 30 công ty đại lục giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tiết lộ ý định muốn niêm yết trên SIX. Bất chấp nguy cơ phải huỷ niêm yết đối với khoảng 173 công ty Trung Quốc tại Mỹ đã giảm bớt phần nào, sau khi Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ thông báo vào giữa tháng 12 rằng cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện ở Hồng Kông đã thành công, nhưng rõ ràng giới chức Washington vẫn tiếp tục gia tăng sức ép với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề kiểm toán.

Jane Moir, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp Châu Á, cho rằng Mỹ đã sẵn sàng đẩy mạnh các biện pháp có thể gây bất lợi đối với Trung Quốc vào bất cứ lúc nào. “Từ tuyên bố của Mỹ cho thấy mọi thứ chỉ tạm ổn vào lúc này. Nếu tình hình không tiến triển khả quan trong tương lai, cơ quan quản lý của Mỹ có thể “đưa các công ty này trở lại danh sách đen và buộc họ huỷ niêm yết”. Dưới áp lực như vậy, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển hướng. Chỉ có 16 công ty tiến hành niêm yết tại thị trường này vào năm 2022 so với con số 42 công ty vào năm trước, và tổng số tiền huy động được đã giảm 96% xuống còn 540 triệu USD, theo ước tính của Deloitte.

=>>> Nhận xét: Dưới tác động từ sự mâu thuẫn sâu sắc giữ Trung Quốc và Mỹ, các Doanh nghiệp Trung Quốc đã phải tìm một quốc gia phát triển khác để niêm yết và Thụy Sĩ là một lựa chọn sáng sủa. Từ sự kiện này có thể thấy sự phân chia 2 cực của thế giới trở nên rõ rệt hơn!

– Đồng USD trượt giá đầu năm 2023 kéo theo làn sóng bán tháo USD ở châu Á?

Theo tờ Asia Times, tình hình hỗn loạn tại trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) những ngày gần đây có thể xem như ví dụ điển hình cho nỗi lo của các quan chức châu Á về sự trượt giá của đồng USD trong năm 2023. Trong ít nhất năm ngày đầu năm 2023, đội ngũ của Thống đốc BOJ Kuroda Haruhiko đã thực hiện các giao dịch mua trái phiếu lớn đột xuất. Lý do, đồng yên đã tăng giá trong hai tuần liên tiếp kể từ khi ông Kuroda thông báo mở rộng biên độ dao động lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%. Đối với BOJ, động thái này cũng không mấy dễ chịu. BOJ đưa ra quyết định này vào ngày 20-12-2022 nhằm giảm căng thẳng khi lãi suất của Mỹ và Nhật Bản đi ngược chiều.

Tuy nhiên, ông Kuroda đã chọn điều chỉnh theo đồng USD vốn đã trượt dốc trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế ở Mỹ. Kết quả giờ đây BOJ đang phải vật lộn để ngăn đồng yên tăng giá quá nhiều, quá nhanh và gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản. Theo Asia Times, đó có thể là lời cảnh báo cho các quốc gia châu Á khác trong năm 2023. “Tình hình cho thấy đồng USD sẽ tiếp tục yếu đi” – ông Michael Purves, giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Tallbacken Capital Advisors, cho biết.

Từ Bắc Kinh đến Jakarta, năm 2023 giống như lật ngược của năm 2022. Trong 12 tháng qua, châu Á đã phải đối mặt với tác động tiêu cực từ việc đồng USD tăng 8%, quét sạch dòng vốn trên các thị trường ở khắp mọi nơi. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong 27 năm bằng cách tăng lãi suất đẩy giá USD tăng cao, gây biến động cực đoan trong giá trị tiền tệ và tài sản. Giới chuyên gia cảnh báo nay đã đến lúc châu Á phải chuẩn bị cho viễn cảnh đồng USD giảm giá, đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn khiến các nhà đầu tư toàn cầu xoay trục để tránh rủi ro.

Theo Asia Times, các nhà đầu tư có ít nhất bốn lý do hợp lý để bán tháo USD. Một là tỉ lệ tăng trưởng âm của Mỹ tăng nhanh trong năm nay. Hai là lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm có thể sẽ trở nên khó khăn hơn so với những gì thị trường dự đoán. Ba là nợ quốc gia không bền vững của Mỹ đã tăng lên tới 32.000 tỉ USD. Cuối cùng, bối cảnh chính trị hỗn loạn tại Đồi Capitol đang ở cấp độ chưa từng thấy trong hàng chục năm qua. “Bộ tứ” rủi ro nội tại này đang va chạm với bối cảnh bên ngoài ảm đạm. Sự kiện mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 của Trung Quốc vẫn chưa đảm bảo hoạt động kinh tế sẽ hồi phục chắc chắn, bởi nhiều quốc gia lo ngại dịch có thể bùng phát trở lại.

=>>> Nhận xét: Trước sự trải qua một nền khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự biến động của đồng USD cho dù theo chiều hướng nào cũng đều rủi ro. Bản thân các nước Châu Á đã chịu nhiều khó khăn khi đồng USD tăng giá năm ngoái cùng với lãi suất liên tục tăng, để lại kết quả mà khi đồng USD giảm lại tạo ra một lo lắng mới.

– Tỉnh duy nhất giải ngân vốn đầu tư công trên 95% trong năm 2022

Bộ Tài chính cho biết, có 12 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80% trong năm 2022. Một số Bộ có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%). Cùng với đó, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022 gồm có: Ninh Bình, Hà Nam, Bình Định, Kiên Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang, Lào Cai và Hậu Giang.

Như vậy, Ninh Bình là địa phương duy nhất có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình khoảng 6.206 tỷ đồng, đạt 96,7% so với kế hoạch trong năm 2022. Theo UBND tỉnh Ninh Bình, có được kết quả giải ngân đầu tư công cao là do tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công từ sớm, bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; việc bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã xác định đầu tư công là động lực góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế; phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, nhiều dự án có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một số công trình, dự án chủ yếu trong năm 2022 có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn thuộc khu vực đầu tư công đã được tỉnh nỗ lực triển khai như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 223,4 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 ước đạt 191,0 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu ước đạt 115,0 tỷ đồng… Cùng với đó, một số dự án trong khu vực đầu tư công khác được tỉnh Ninh Bình thực hiện trong năm 2022 là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn) ước đạt 74,8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông – Tây tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 72,0 tỷ đồng; dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô ước đạt 60,0 tỷ đồng…

=>>> Nhận xét: Với một năm khó khăn như 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công như trên của Ninh Bình là rất ấn tướng và đáng chú ý. Năm 2023 kỳ vọng câu chuyện Đầu tư công sẽ trở lại mạnh mẽ không chỉ với Ninh Bình mà với cả nước.

10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022. Nguồn: Bộ Tài chính.

2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

MBS: Chứng khoán MBS đạt lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử

Theo thông tin từ một lãnh đạo của MBS, lợi nhuận trước thuế (LNTT) 2022 của công ty này ước đạt 670 tỷ, chỉ giảm khoảng 10% so với mức LNTT “đỉnh cao” đã đạt được năm 2021 – năm thăng hoa của TTCK Việt Nam. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng tiết lộ thêm mức cổ tức 2022 MBS dự kiến chi cho cổ đông sẽ ở mức 15%. So sánh với giá cổ phiếu hiện tại thì có thể thấy MBS đang ở vùng giá khá hấp dẫn (13.400 vnd/cp). Đây là kết quả được xem là tương đối tích cực trong bối cảnh TTCK Việt Nam 2022 diễn biến phức tạp và theo chiều hướng tiêu cực. Chốt năm, VN-Index dừng ở sát ngưỡng 1.000 điểm, giảm gần 33% so với mốc 1.500 hồi đầu năm.

Đây chính là lý do khiến cho nhiều CTCK bị sụt giảm, thậm chí bị lỗ trong hoạt động tự doanh. Nhờ việc hạn chế cũng như quản lý tốt hoạt động tự doanh, MBS nằm trong số ít CTCK không bị thua lỗ trong hoạt động này. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh chính của các CTCK là hoạt động cho vay Margin; cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, do được quản trị chặt chẽ cả danh mục cũng như tệp khách hàng Margin; không cho vay đối với những mã cổ phiếu có tính chất “làm giá” hoặc rủi ro cao nên MBS đã gần như không phát sinh nợ xấu trong năm 2022. Đây là lợi thế không phải CTCK nào cũng có được. Trái phiếu doanh nghiệp là mảng hoạt động khá “nóng” trên khắp các mặt báo của năm 2022. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải lao đao vì hoạt động này. Một lần nữa, việc quản trị rủi ro tốt đã giúp MBS giữ cho mảng trái phiếu doanh nghiệp của mình vẫn được an toàn, ổn định.

Nhiều chuyên gia dự báo 2023 vẫn là năm có nhiều khó khăn đối với TTCK Việt Nam. Bởi vì, năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều biến số tác động lên TTCK – nơi được xem là hàn thử biểu phản ánh nhanh nhạy diễn biến của nền kinh tế. Tâm điểm được giới phân tích chỉ ra là động thái của các ngân hàng trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ – điều phụ thuộc lớn vào xu hướng của lạm phát cũng như giá cả hàng hóa. Nguồn tin từ MBS cho biết công ty đặt mục tiêu rất tham vọng ~ 900 tỷ LNTT cho năm 2023, tăng 34% so với 2022. Vị lãnh đạo này cho biết dù thị trường còn nhiều khó khăn nhưng trong “nguy” luôn có “cơ”. Lý giải về kế hoạch MBS 2023, ông cho biết xu hướng lãi suất thế giới cũng như trong nước có thể sẽ giảm vào nửa cuối năm, giúp làm tăng thanh khoản cho TTCK. TTCK luôn vận động đi trước nền kinh tế nên đây sẽ là cơ hội cho các CTCK nói chung và MBS nói riêng.

=>>> Nhận xét: Mặt bằng lãi suất gia tăng khiến kênh chứng khoán trở nên ít hấp dẫn hơn, bởi một mặt kéo dòng tiền về kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt khác khiến chi phí vốn gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quản trị rủi ro hiệu quả của MBS đã đóng vai trò lớn trong việc hoạt động doanh nghiệp vừa qua, từ đó khiến KQKD thuận lợi.

3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Giá căn hộ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023?

Theo báo cáo về thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). VARS cho biết, trong năm 2022, thị trường bất động sản rất hiếm các dự án mới. Trong số lượng hiếm hoi các dự án được phê duyệt, không thấy sự xuất hiện của dự án nhà ở, chỉ có phê duyệt các dự án về dịch vụ. Do vậy, thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân. Nguồn cung căn hộ cao cấp tăng mạnh qua các năm trong khi nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân giảm lần lượt 90% và 79% so với năm 2019.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường địa ốc 2023 sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài, song cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn. Ông Đính cho rằng chỉ cần gỡ những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải gồm pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin… thị trường chắc chắn sẽ cân bằng trở lại. Tất nhiên bên cạnh những giải pháp khơi thông, nhà nước vẫn phải đi kèm với các chính sách kiểm soát cần thiết để đảm bảo thị trường phát triển nhưng không “nóng”, phát triển một cách hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch VARS dự báo, quỹ đất khu vực nội đô tại hai thành phố lớn ngày càng khan hiếm. Cùng với những thay đổi trong quy hoạch, chính sách chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa khiến nguồn cung các dự án nhà ở thương mại, căn hộ trung và cao cấp tại khu vực này càng hiếm. Quỹ đất thu hẹp đồng nghĩa với việc chỉ một vài dự án bất động sản cao cấp được phát triển. Chính sự khan hiếm quỹ đất nội đô và việc hạ tầng giao thông được cải thiện là các yếu tố dự báo sẽ có nhiều khu đô thị và đại đô thị được phát triển ở khu vực vùng ven Hà Nội và TP. HCM trong vòng 3 năm tới, nhất là khi các tuyến đường vành đai đang tích cực được triển khai.

Ông Đính cho rằng, trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở chung cư của người dân vẫn rất cao thì giá chung cư rất khó hạ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung dự án khan hiếm hiện nay. Hơn nữa, tâm lý của người dân trong bối cảnh lạm phát cũng có xu hướng đổ tiền vào bất động sản như một kênh tích trữ an toàn. Đáng chú ý, giá chung cư khu vực ngoại thành sẽ còn tăng hơn khu vực trung tâm vì giá đất ngoại thành tăng lên nhanh. Ngoài yếu tố giá cả, theo vị chuyên gia, còn nhiều tiện ích hấp dẫn khác khiến người dân lựa chọn chung cư như đầy đủ các dịch vụ cộng đồng, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, liên kết vùng thuận tiện di chuyển, dự án gắn liền với phát triển xanh, bền vững… Thực tế, lực cầu trên thị trường hiện nay vẫn rất lớn, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực. Cùng với các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công, máy móc,… vẫn có xu hướng tăng sẽ kéo theo giá nhà ở tiếp tục đi lên, đặc biệt ở phân khúc bình dân và trung cấp.

=>>> Nhận xét: Trong bối cảnh những vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung nhà ở, từ đó tạo áp lực tăng giá cho căn hộ trong 2023.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 06/01/2023

____________________

Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin: 

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin