Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/01/2023.
1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô:
– ECB tăng lãi suất làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ của Italy
Nợ công của Italy vẫn ở mức cao nhất châu Âu, ở mức hơn 145% GDP. Ông Marco Valli, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng lớn thứ hai Italy UniCredit, cho biết nhu cầu tái cấp vốn nợ của Italy đang cao hơn, trong khi tình hình chính trị có khả năng trở nên phức tạp. Những yếu tố đó khiến trái phiếu nước này dễ bị bán tháo nhất trên thị trường. Chi phí đi vay của Italy đã tăng mạnh kể từ khi ECB bắt đầu tăng lãi suất vào mùa Hè năm 2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng lên hơn 4,6% vào tuần trước, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với lợi suất tương đương của trái phiếu Đức.
ECB dự kiến sẽ bắt đầu giảm danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 5.000 tỷ euro khoảng 15 tỷ euro mỗi tháng kể từ tháng 3/2023, bằng cách chỉ thay thế một phần số chứng khoán đáo hạn, gây thêm áp lực lên chi phí vay của Italy. Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz của Đức, cho biết Khu vực đồng euro có nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu năm 2012 “vì khả năng tài chính giữa các quốc gia là khác nhau nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của ECB”.
Các Bộ trưởng Italy đã chỉ trích ECB về việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ. Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto đã viết trên Twitter rằng các chính sách của ECB “không có ý nghĩa gì”, trong khi Phó Thủ tướng Matteo Salvini cho biết lãi suất cao hơn “sẽ đốt cháy hàng tỷ tiền tiết kiệm của Italy”.
=>>> Một nền lãi suất cao hơn từ ECB được các chuyên gia lo ngại rằng sẽ càng gây khó khăn cho Italy trong thời gian tới- một đất nước với nợ công và thâm hụt ngân sách cao ngất ngưởng.
– Tân Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết ưu tiên quan hệ với Mỹ
Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng Trung Quốc thay cho ông Vương Nghị hôm 30/12. Ông từng giữ chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 7/2021. Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói ông “ấn tượng sâu sắc” với người dân Mỹ và cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai cường quốc.
“Tôi ấn tượng sâu sắc trước những người Mỹ chịu khó, thân thiện và tài năng mà tôi đã gặp”, Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đăng lên Twitter tối 02/01, đồng thời gửi lời cảm ơn người dân Mỹ vì đã hỗ trợ ông cùng Đại sứ quán Trung Quốc trong 17 tháng trước đó. Ông Tần cũng cho biết mối quan hệ Mỹ- Trung sẽ là một trong những ưu tiên của ông trên cương vị mới là Ngoại trưởng Trung Quốc.
“Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ sự phát triển của mối quan hệ Trung- Mỹ, khuyến khích đối ngoại, hiểu biết lẫn nhau và cảm tình giữa nhân dân hai nước cũng như làm việc vì sự tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của thế giới”, ông Tần nói thêm.
=>>> Có thể thấy, quyết định bổ nhiệm ông Tần là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ổn định quan hệ với Washington, vốn leo thang căng thẳng trong những năm gần đây vì nhiều vấn đề như nhân quyền, Hong Kong và đảo Đài Loan.
– Nhiều thị trường giảm nhập khẩu, cao su Việt Nam vẫn tăng tỷ trọng tại Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cao su của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu cao su của các thị trường này từ Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2021, trừ Trung Quốc và Ấn Độ.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, đạt 10,1 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 16,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của thị trường này, cao hơn so với mức 15% của cùng kỳ năm 2021.
Với Ấn Độ, nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 233,4 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của thị trường này, cao hơn so với mức 8,1% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu cao su từ Việt Nam của Mỹ, Malaysia và Đức lần lượt giảm 7%, 4,5% và 29,5%.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng hơn 1% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
=>>> Nhìn chung năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Trong năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa được dự báo sẽ kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu cao su của Việt Nam bởi Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc.
2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu:
MWG: Kết quả kinh doanh kém sắc, quỹ ngoại bán vội
Mới đây, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã thông báo bán ra tổng cộng 6.65 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động, giao dịch được thực hiện trong tuần cuối cùng của tháng 12/2022. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital giảm từ 10.12% xuống còn 9.67%.
Động thái bán ra của Dragon Capital diễn ra sau khi MWG báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng không mấy khả quan. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận doanh thu thuần đạt 123.683 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 9% xuống còn 3.998 tỷ đồng. Tính riêng tháng 11, doanh thu của Thế giới Di động đạt khoảng 9.971 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 159 tỷ đồng, giảm đến 67%. Đây là mức doanh thu thấp nhất hơn 1 năm và lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của MWG.
Sang năm 2023, dù vĩ mô khá nhiều biến số, song MWG vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2023 và tăng trưởng hai chữ số so với mức trung bình giai đoạn 2020-2022. Để thực hiện mục tiêu trên, MWG cho biết sẽ không đặt mục tiêu số lượng cửa hàng mở mới cho từng chuỗi. Các chuỗi chỉ mở mới cửa hàng có chọn lọc để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong 3 tháng sau khi khai trương. Đồng thời, tất cả các chuỗi sẽ tập trung vào tăng doanh số bán hàng tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) và kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Ngoại trừ, Bách Hóa Xanh có thể tiếp tục tối ưu biên lợi nhuận bằng cách cải thiện tỷ lệ hủy hàng, giảm hao hụt.
=>>> Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng. Việc quỹ ngoại DC thực hiện bán một phần cổ phiếu dường như là hệ quả của việc MWG chỉ thực hiện được 88% chỉ tiêu doanh thu và 63% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Năm 2023 được dự báo vẫn là năm khó khăn với các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và MWG nói riêng, khi lo ngại suy thoái, nền lãi suất ở mức cao, lạm phát chưa hạ nhiệt có thể làm nhu cầu suy giảm. Vì vậy, việc MWG có thể chống chịu và vượt qua năm 2023 với kết quả kinh doanh khả quan hay không sẽ tái khẳng định vị thế của một trong những ông vua ngành bán lẻ này.
3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác:
Thị trường nhà ở TP.HCM: Người mua ngập ngừng chờ chính sách mới
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường căn hộ tại TP.HCM trong năm 2022 ghi nhận tổng cộng 17.028 căn chào bán, tăng 87% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh số bán mới đạt 983 căn (giảm 76% so với quý trước) trên tổng số gần 1.100 căn hộ được mở bán mới (giảm đến 74% so với lượng mở bán mới quý trước), và chỉ chiếm 6,5% tổng nguồn cung cả năm 2022.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và vướng mắc pháp lý đã tạo áp lực lên thị trường. Do đó, cả người mua và nhà đầu tư đều có xu hướng chờ xem chính sách mới của năm 2023 trước khi đưa quyết định.
Về thị trường nhà liền thổ TP.HCM, trong năm 2022, nguồn cung mới đạt 1.200 căn, tăng 12% theo năm do thị trường phục hồi so với năm 2021 trầm lắng bởi Covid-19. Trong khi đó, lượng căn bán giảm 3% do tâm lý thị trường chững lại và người mua do dự trong bối cảnh bất định.
Ở thời gian này, về phía khách hàng, thị trường đang hướng tới nhu cầu mua ở thực, thay vì mua đầu tư như trước. Các dự án có pháp lý rõ ràng, có tiến độ thanh toán linh hoạt trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, sẽ thu hút được khách hàng.
=>>> Nhìn chung, thị trường nhà ở tại TP.HCM năm 2022 đã phục hồi nhẹ sau khoảng thời gian tạm dừng năm 2021 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đã thực hiện rà soát phát hành trái phiếu cùng chính sách kiểm soát tín dụng thắt chặt phần nào tạo nên tâm lý dè chừng của người mua và chủ đầu tư.
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 04/01/2023
————
Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin:
- Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
- Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
- Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/
- Khoá học đọc vị cổ phiếu: https://docvicophieu.azfin.vn/
- Khoá học chinh phục cổ phiếu ngân hàng: https://chinhphuccophieunganhang.azfin.vn/