Điểm tin chứng khoán ngày 22/2/2022

bởi Công Thành Bùi

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/2/2022.

ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VĨ MÔ

Lạm phát của Trung Quốc hạ nhiệt

  • Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9.1% so với cùng kỳ, giảm từ mức 10.3% trong tháng 12/2021, dữ liệu chính thức cho thấy trong ngày 16/02. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại ở mức 0.9%. Cả hai chỉ số này đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
  • Đà giảm tốc của lạm phát trong những tháng gần đây giúp NHTW Trung Quốc có thêm khoảng trống cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Bắc Kinh đã chuyển sang hướng hỗ trợ tăng trưởng vào cuối năm 2021 khi thị trường bất động sản suy yếu và dịch bệnh tái bùng phát. Nhiều chuyên gia dự báo NHTW Trung Quốc có thể giảm lãi suất trong vài tháng tới.
  • Lạm phát lõi – loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – tăng 1.2%, tương đương với mức của tháng 11 và 12/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khá ảm đạm.

Trong khi các nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát thì lạm phát của Trung Quốc hạ nhiệt trong tháng 1/2022. Điều này cho thấy việc Trung Quốc đang triển khai các chính sách tiền tệ nhằm kích cầu là hướng đi hợp lý khi thị trường tiêu dùng vẫn đang dậm chân tại chỗ, trong khi thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc kéo dài chiến lược zero Covid sẽ khiến đà hồi phục tiêu dùng chậm hơn, nên tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ còn là dấu hỏi trong năm 2022.

Ngành điện 2022: Thủy điện kém sắc, nhiệt điện lên ngôi

  • Báo cáo triển vọng ngành năm 2022 của Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, tăng trưởng điện thương phẩm năm 2022 sẽ đạt 280,3 tỷ kWh (tăng 9,8% yoy), chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải hồi phục tích cực, và nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến chịu ít tác động tiêu cực từ dịch bệnh so với giai đoạn năm 2020-2021. Giả định dựa trên kịch bản GDP 2022 ước tăng 6-6,5%
  • Dự thảo Quy hoạch Điện 8 sửa đổi tiếp tục định hướng tập trung vào nguồn năng lượng sạch trong tương lai. Để đáp ứng tăng trưởng tiêu thụ điện giai đoạn 2021-2045, tổng công suất lắp đặt được ước tính đạt mức 156,000 MW năm 2030 và 334,000 MW vào năm 2045 – lần lượt gấp 2 lần và 4,4 lần năm 2021.
  • Tại mảng nhiệt điện than, trong ngắn hạn, nguồn điện giá rẻ này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt trong giai đoạn vĩ mô khả năng phục hồi tích cực giai đoạn 2022-2025. Do đó, những doanh nghiệp nhiệt điện than như HND và QTP vẫn có thể được quan tâm.
  • Một yếu tố tác động tích cực đến những doanh nghiệp điện là việc giá bán điện CGM trung bình khả năng tăng mạnh tại năm 2022. Nửa cuối năm 2021, giá CGM giảm do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và thủy điện được tích cực huy động do La Nina tiếp diễn. BSC cho rằng giá điện CGM trong năm 2022 sẽ tăng trở lại với kỳ vọng kết thúc chu kỳ La Nina vào quy2/2022.

Tình hình thuỷ văn không mấy thuận lợi trong thời gian tới sẽ làm tăng tỷ lệ huy động từ A0 cùng với tác động tăng giá bán điện CGM sẽ là yếu tố tích cực với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện than như QTP và HND trong tương lai

Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng, USD giữa ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại diễn biến trái chiều

  • Tính đến ngày 17.2, các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng tăng giá USD. Trong khi trước đó từ ngày 19/1, Ngân hàng nhà nước giảm giá mua vào đồng USD, từ mức 22.650 VND/USD xuống 22.550 VND/USD.
  • Việc ngân hàng nhà nước hạ tỷ giá mua vào USD nhằm giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn. Thêm nữa, giảm tỷ giá cũng sẽ là một yếu tố tích cực hỗ trợ nhập khẩu, giúp hãm lại đà tăng của giá tiêu dùng.
  • Giá USD quốc tế liên tục tăng/giảm trái chiều: tăng do FED phát tín hiệu nâng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022. Tuy nhiên, DXY Index đã có xu hướng quay đầu giảm kể từ cuối tháng 1 do căng thẳng giữa Mỹ – Nga về Ukraine.

Áp lực lạm phát của Mỹ cao khiến FED có thể sẽ tăng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến, tác động đến giá USD sẽ biến động mạnh hơn, và gây áp lực điều hành tỷ giá đối với Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, những yếu tố trên sẽ là rủi ro mà Việt Nam vẫn cần thận trọng theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VỀ KÊNH CỔ PHIẾU

Thế giới Di động (MWG) lập kỷ lục doanh thu mới trong tháng 1/2022 với 16.000 tỷ đồng (+ 45% svck), sắp mở cửa hàng ở Indonesia

  • CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố tình hình kinh doanh, ghi nhận lập kỷ lục mới trong tháng 1/2022 với hơn 16.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.
  • Chi tiết từng ngành hàng, Thế giới Di động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đạt doanh số cao nhất từ trước đến nay là 13.500 tỷ đồng, nhờ (1) tập trung chuẩn bị hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng bán trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, (2) triển khai chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng, và (3) đảm bảo năng lực giao hàng – lắp đặt không bị gián đoạn trong mùa cao điểm.
  • Chuỗi Topzone mở thêm 8 cửa hàng mô hình AAR và 1 cửa hàng độc lập APR mới trong tháng 1/2022, nâng tổng số điểm bán lên 19 và hiện diện tại 14 tỉnh thành. Như vậy, chỉ sau 4 tháng chính thức ra mắt trên thị trường, Topzone đã trở thành Đại lý ủy quyền cao cấp của Apple tại Việt Nam với mạng lưới cửa hàng, độ phủ và thị phần lớn nhất. Sau khi hết hiệu ứng ra mắt sản phẩm mới và Topzone mở thêm nhiều cửa hàng ở thị trường tỉnh, doanh số cửa hàng đã đi vào ổn định ở mức 8-10 tỷ đồng/tháng.

Chúng tôi cho rằng từ kết quả kinh doanh vô cùng khả quan của MWG trong tháng 1 sẽ là tín hiệu tích cực báo hiệu cho triển vọng kinh doanh tươi sáng của MWG trong năm 2022

ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VỀ KÊNH TÀI SẢN KHÁC

Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum dự đoán thị trường có thể sẽ đi vào “mùa đông crypto

  • Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg diễn ra vào ngày 19 tháng 2, Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum cho biết “mùa đông crypto” thật sự không làm ảnh hưởng quá nhiều đến những người am hiểu sâu về tiền mã hóa và đặc biệt là đội ngũ xây dựng dự án, thậm chí họ còn rất hoan nghênh giai đoạn này.
  • Lý giải quan điểm của Vitalik, trong chu kỳ tăng giá đều thi nhau ra mắt và thổi phồng bức tranh lợi nhuận khổng lồ để lôi kéo các nhà đầu tư vội vã, bất chấp việc sản phẩm của họ vẫn chưa hoàn thiện và tốt như mong đợi. Do đó, thị trường phải cần một đợt suy thoái đủ lâu để thanh lọc các tác nhân xấu và mang lại tính cân bằng hơn cho ngành.
  • Nhà sáng lập Ethereum nhận xét anh khá ngạc nhiên về cách thị trường đã vận động kể từ năm ngoái, nhưng anh không thể khẳng định 100% rằng liệu tiền mã hóa đã bước vào một mùa đông khác hay chỉ phản ánh sự biến động tương tự như các thị trường tài chính rộng lớn hơn, chẳng hạn như chứng khoán. Bởi lẽ, tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong hai tuần qua đã bao trùm bóng đen u ám lên toàn bộ ngành tài chính toàn cầu..

Mùa đông là thời điểm mà rất nhiều ứng dụng bị loại bỏ cũng như xuất hiện các dự án thực sự bền vững lâu dài. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư có thể lựa chọn được những đồng coin, dự án thực sự có chất lượng trong tương lai

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 17/2/2022

————

Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:

🌎 Website: https://azfin.vn/

🌎 Fanpage AzFin Việt Nam : https://www.facebook.com/AzFinVietNam

📺 Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam

————

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin