Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/10/2022.
Điểm tin chứng khoán vĩ mô
Kinh tế toàn cầu ‘kêu cứu’ từ góc nhìn lĩnh vực sản xuất
“Một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ sớm nổ ra?”, Ngân hàng Thế giới (WB) đặt câu hỏi trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình. Câu trả lời “có” có thể sẽ không làm bất ngờ các doanh nghiệp sản xuất. Trong tháng 8, sản lượng lĩnh vực sản xuất toàn cầu sụt giảm so với tháng 7 trong khi số lượng đơn đặt hàng mới đi xuống tháng thứ hai liên tiếp, theo thống kê của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase. Trong bối cảnh các khó khăn kinh tế liên tục xuất hiện, điều tồi tệ hơn có thể vẫn đang chờ đợi ở phía trước, không chỉ đối với các lĩnh vực đơn lẻ như sản xuất mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Nhu cầu suy giảm là điều hoàn toàn có thể dự báo trước khi cuộc sống của người dân dần quay trở lại bình thường. Ngay cả nhu cầu đối với các loại hình dịch vụ, vốn bùng nổ muộn hơn so với hàng hóa, cũng đang trong xu hướng giảm thời gian gần đây. Tuy nhiên, dữ liệu trong lĩnh vực sản xuất mới chính là nguồn cơn quan ngại. Điểm khởi đầu chính là đà tăng giá nguyên và nhiên liệu sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trong tháng 7, hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp trong khu vực này phải trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất do chi phí năng lượng tăng quá cao. Trong khi đó, tình hình được dự báo khó khăn hơn rất nhiều trong mùa đông sắp tới.
Không chỉ châu Âu, các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác cũng đang gặp vấn đề. Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ gặp khó với chiến lược zero Covid, với một thị trường bất động sản ngập trong khủng hoảng mà còn với một mùa hè “nóng chưa từng thấy”, gây nên tình trạng thiếu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kéo giảm năng suất mùa vụ. Dữ liệu chỉ số Quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất của Caixin giảm trong tháng 8 so với tháng trước đó. Các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu hàng hóa và linh kiện tới Trung Quốc cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng với hoạt động sản xuất của Hàn Quốc sụt giảm trong mùa hè qua do nhu cầu từ quốc gia đông dân nhất thế giới sụt giảm.
WB đã vẽ ra ba viễn cảnh cho năm tới. Viễn cảnh lạc quan nhất: thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5% trong năm 2023 nhưng điều đó không đồng nhất với mong muốn lạm phát thấp của các ngân hàng trung ương. Trường hợp thứ hai, “một cuộc suy thoái nghiêm trọng” sẽ nổ ra khi các ngân hàng trung ương tiếp tục gặp khó trước lạm phát và không thể duy trì sự ổn định giá cả, kéo giảm thu nhập bình quân đầu người 0,8%. Viễn cảnh cuối cùng: làn sóng thắt chặt toàn cầu sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái khiến sản lượng nền kinh tế toàn cầu sụt giảm và thu nhập bình quân đầu người giảm 0,4%.
- Bất kỳ viễn cảnh nào cũng không có lợi đối với các quốc gia đang phục hồi từ giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỷ lệ nợ công trên toàn cầu vẫn tương đối lớn và một số nền kinh tế thậm chí còn chưa thể quay trở lại với quy mô từng đạt được trước khi đại dịch nổ ra. Và lãnh đạo các quốc gia này chắc chắn không thể bỏ qua “báo động đỏ” phát ra từ lĩnh vực sản xuất.

Xem thêm: Chuyên gia: ‘Phụ thuộc tín dụng ngân hàng khiến doanh nghiệp như đi trên một chân’
Chính phủ Anh “quay xe” bỏ kế hoạch giảm thuế, đồng bảng tăng vọt
Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cho rằng việc quá tập trung vào kế hoạch giảm thuế cao nhất lên tới 45% khiến Chính phủ xao lãng khỏi các mục tiêu nhằm giải quyết thách thức của nền kinh tế mà họ đang đối mặt. Thể hiện sự tiếp thu, lắng nghe, Chính phủ Anh thông báo loại bỏ kế hoạch này để tập trung vào các mục tiêu khác.
Ngay lập tức, đồng bảng anh đã tăng 0,8% so với đồng USD sau khi tin tức được công bố. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể trở lại mức trước khi Bộ trưởng Kwarteng đưa ra một loạt kế hoạch cắt giảm thuế hôm 23/9.
Thực tế, kế hoạch giảm thuế đầy tham vọng này không được thị trường tài chính đón nhận và việc loại bỏ khoản thuế 45% đối với những người có thu nhập trên 150.000 (166.770 USD) được coi là độc hại về mặt chính trị khi mà người Anh đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.
Uy tín của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã lao dốc sau khi cái gọi là “mini budget” được công bố. Trong động thái hiếm hoi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã chỉ trích kế hoạch này của người Anh. Một số chính trị gia của chính đảng này cũng đã phản đối đề xuất.
- Grant Shapps, cựu bộ trưởng giao thông, cho biết việc thay đổi kế hoạch giảm thuế là “phản ứng hợp lý” bởi cắt giảm thuế với nhóm đối tượng ít cần tới chúng nhất gây ra sự khó chịu cho tất cả mọi người và đẩy mọi thứ vào tình cảnh không bền vững. Tuy nhiên, quyết định này cũng được xem là một bước lùi của tân Thủ tướng Liz Truss, người mới tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách giảm thuế này.
PMI tháng 9 của Việt Nam đạt 52,5 điểm, cải thiện đáng kể về điều kiện kinh doanh
Theo báo cáo vừa công bố của IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 tại Việt Nam đạt 52,5 điểm, thấp hơn so với 52,7 điểm trong tháng 8 nhưng vẫn cho thấy cải thiện đáng kể về điều kiện kinh doanh của toàn ngành công nghiệp.
Tháng cuối quý III, các đơn hàng mới tiếp tục tăng đẩy sản lượng hàng hóa tăng, hoạt động mua hàng và thị trường việc làm cũng sôi động hơn. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu sản xuất cao hơn, các công ty cũng tăng cường nhân sự để hỗ trợ các dây chuyền sản xuất mới. Lần thứ 2 liên tiếp, việc gia tăng đơn hàng tác động làm giảm lượng đơn hàng tồn.
Báo cáo của IHS Markit cũng ghi nhận áp lực chi phí cho doanh nghiệp đã giảm trong tháng 9, chỉ số lạm phát chậm hơn nhiều so với ghi nhận từ đầu năm. Một số doanh nghiệp cho rằng giá dầu giảm giúp hạ bớt gánh nặng chi phí. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho biết giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao hơn so với tháng trước.
Tháng 9, chỉ số giá đầu ra sản phẩm tăng nhẹ. Thời gian giao hàng của các nhà cung cấp không thay nhiều so với tháng trước nhưng cải thiện nhiều so với đầu năm.
Lượng mua hàng dự trữ tăng lần đầu tiên trong 6 tháng là do lượng đơn hàng mới tăng, chỉ số mua hàng cao hơn.
Tương tự, tháng 9, dự trữ hàng hóa thành phẩm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2 và ở mức cao nhất trong gần 1,5 năm. Một số doanh nghiệp cho biết tồn kho thành phẩm tăng do sản lượng tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng.
- Việt Nam duy trì được một bức tranh tương đối tích cực về điều kiện kinh doanh của toàn ngành công nghiệp, nhưng vẫn đứng trước các rủi ro chung của toàn cầu như lạm phát, lãi suất tăng,…

Xem thêm: Cổ phiếu ngân hàng sẽ thế nào khi tiền không còn rẻ?
Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu
FMC: Doanh số Sao Ta 9 tháng tăng 18% YoY
Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC)– đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) thông tin kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng. Theo đó, tôm thành phẩm chế biến 9 tháng đạt 16.068 tấn, bằng 98,5% so cùng kỳ năm 2021; tôm thành phẩm tiêu thụ 14.543 tấn, tăng 8%. Nông sản thành phẩm ghi nhận 1.642 tấn, gần gấp đôi và nông sản tiêu thụ 1.450 tấn, tăng 18% so cùng kỳ năm trước.
Doanh số tiêu thụ chung đạt 182 triệu USD (~ 4.310 tỷ đồng), tăng 17,5% so cùng kỳ 2021 và thực hiện 79% kế hoạch năm.
Tính riêng tháng 9, doanh số đạt 20,1 triệu USD (~ 476 tỷ đồng) không bằng tháng 8 và cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty cho biết vẫn có lãi tốt nhờ sử dụng tôm tự nuôi cho chế biến, giá thành rẻ.
Về hoạt động nuôi tôm, Sao Ta đang tiến hành thu tỉa và thu hoạch phục vụ chế biến. Công ty đánh giá tôm phát triển không bằng mùa thuận nhưng so mặt bằng chung thì tốt hơn hẳn, có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp đang tiến hành cải tạo khu mới 203 hecta để có thể thả nuôi ở quý II/2023.
Vào đầu tháng 6, doanh nghiệp công bố đầu tư 200 tỷ đồng để phát triển vùng nuôi 203 ha ở Sóc Trăng, chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Công ty đặt mục tiêu có 500 ha nuôi tôm đến 2025, hiện đang khai thác 302 ha.
Bên cạnh đó, công ty đang hoàn tất nhà máy mới, tiến độ bị chậm do bên cung ứng thiết bị, máy móc nước ngoài giao chậm vì thiếu vật tư sản xuất và khâu vận chuyển chậm trễ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết việc này không gây áp lực vì hiện nay sản lượng nguyên liệu chỉ mức vừa phải.
- Do ảnh hưởng lạm phát nên sức tiêu thụ của người tiêu dùng không cao. Bởi vậy, doanh số tiêu thụ của DN có thể sẽ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm – đây là tình hình chung của các DN xuất khẩu.
Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác
Phú Mỹ hướng đến đô thị cảng biển, công nghiệp, công nghệ cao
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ phát triển mạnh mẽ nhiều ngành nghề từ công nghiệp, công nghệ cao, cảng biển – dịch vụ hậu cần cảng, hướng đến trở thành “thành phố cảng” lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy nhiều dự án hạ tầng quan trọng tại thị xã Phú Mỹ đã, đang và sẽ được triển khai phát triển đồng bộ, kết nối giao thông liên vùng và quốc tế cộng hưởng cùng sự phát triển của các khu công nghiệp, cảng biển góp phần thay đổi diện mạo đô thị.
Phú Mỹ thuộc một trong những địa phương sở hữu tổng thu ngân sách dẫn đầu cả nước với nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như: cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải – một trong những cụm cảng biển nước sâu nhất cả nước với 35 bến cảng, top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, top 50 cảng hiệu quả nhất thế giới (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2021).
Đặc biệt, với hệ thống 12 cụm – khu công nghiệp đang hoạt động có quy mô lên đến 5.000ha, Phú Mỹ trở thành điểm đến thu hút lượng lớn người lao động, chuyên gia trong – ngoài nước đến sinh sống và làm việc hàng năm. Theo khảo sát thực tế hiện nay, các khu công nghiệp Phú Mỹ đang có hơn 140.000 lao động, trong đó có đến 90% là lao động từ các địa phương khác, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia và mảng màu công nghệ cao đang được tập trung tại khu vực, hứa hẹn cũng mang đến cho sự đón đầu dịch chuyển mới cho khu vực.
- Các chuyên gia bất động sản đánh giá, với những điều kiện phát triển vượt trội trên, Phú Mỹ ngày càng mang dáng dấp của một đô thị công nghiệp, công nghệ cao và thành phố cảng hiện đại tương tự các thành phố cảng và công nghiệp sầm uất trên thế giới. Điều này giúp thị trường bất động sản nơi đây trở nên sôi động, giàu tiềm năng cho thuê và gia tăng giá trị.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 03.10.2022
————
Website: https://azfin.vn/
Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam