Điểm tin chứng khoán ngày 28/02/2023

bởi khoi dang

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/02/2023.

1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô

– Lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn dự đoán

Chỉ số lạm phát lõi PCE trong tháng 1 (không bao gồm thực phẩm và năng lượng), đã tăng 0.6% so với tháng trước và tăng 4.7% so với một năm trước, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố tuần trước. Trong khi đó, giới phân tích Phố Wall đã kỳ vọng các chỉ số PCE tăng tương ứng 0.5% và 4.4%.

Nếu tính cả năng lượng và thực phẩm- hai mặt hàng có giá cả biến động mạnh, lạm phát toàn phần tháng 1 của Mỹ tăng lần lượt 0.6% so với tháng trước và 5.4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng của tháng 12/2022 lần lượt là 0.2% và 5.3%

Ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty quản lý đầu tư Janus Henderson Investors cho rằng, lạm phát tăng mạnh hơn trong tháng 1 đã tiếp nối hàng loạt tin tức “không thân thiện” với thị trường gần đây. “Điều này có thể đẩy lãi suất cơ bản lên cao hơn trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng của thị trường, do đó có thể gây áp lực lên lợi nhuận”, ông Peron nhận định.

Mức chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 1 cũng tăng cao hơn dự đoán, với mức tăng 1.8% trong khi ước tính là 1.4%. Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân được điều chỉnh theo lạm phát tháng 1 đã tăng 1.4%, cao hơn mức ước tính là 1.2%. Mặt khác, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ cũng tăng lên 4.7%.

=>>>  Về chỉ số CPI, Fed luôn theo dõi biến động chỉ số PCE chặt chẽ hơn một số chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, hay nói cách khác, chỉ số này giúp Fed có cái nhìn chính xác hơn về chi phí sinh hoạt và tình hình lạm phát của Mỹ về dài hạn. Việc lạm phát lõi PCE tăng 4.7% so với một năm trước đang làm nhà đầu tư Mỹ cảm thấy lo ngại khi chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa tác động đầy đủ đến người tiêu dùng, và điều này cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm để hãm lại tổng cầu trong thời gian tới.

– Tổng thống Putin: NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine chính là đang tham chiến

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã cáo buộc một số nước thành viên NATO tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine thông qua việc viện trợ vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Đồng thời, ông chủ Điện Kremlin còn cho rằng Phương Tây có kế hoạch chia rẽ Nga, theo đưa tin từ The Moscow Times.

“Các nước NATO đang gửi hàng chục tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Họ rõ ràng là đang tham gia cuộc chiến”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-1. “NATO đang tham gia vào những tội ác do chính quyền Kiev thực hiện, dù dưới hình thức gián tiếp”, Tổng thống Nga tiếp tục. Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Putin còn nhắc lại lời

kêu gọi về việc xây dựng một thế giới đa cực và ông “tin chắc” mong muốn đó sẽ thành hiện thực.

Viện Kinh tế thế giới Kiel đã tổng hợp lại các cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine trong giai đoạn 24/02/2022 cho đến 15/01/2023. Theo đó, họ phát hiện ra Mỹ là nước đã cam kết hỗ trợ cho Kiev nhiều nhất. Trong khoảng thời gian nói trên, Mỹ đã tuyên bố viện trợ tổng cộng 46.6 tỷ USD cho Ukraine. Anh- cam kết chi 5.1 tỷ USD- là quốc gia đứng thứ hai.

=>>> Lời tuyên bố giận dữ của Tổng thống Nga Putin về việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine dường như mang 1 hàm ý bao trùm: Phương Tây đang không ngừng mong mỏi phá vỡ được Liên Bang Nga, và Nga sẽ không bao giờ từ bỏ trong cuộc chiến này. Những bất định về chiến tranh Nga-Ukraine sẽ là yếu tố vĩ mô tiêu cực mà nhà đầu tư cần theo dõi trong thời gian tới.

– Biến động thất thường, giá xăng dầu làm khó doanh nghiệp vận tải

Nếu giá xăng dầu biến động khó lường, tăng cao hoặc đứt gãy nguồn cung, chắc chắn ảnh hưởng đến giá cước vận tải, từ đó khiến chuỗi vận tải hàng hóa bị gián đoạn. “Một khi giá cước vận tải tăng cao cũng đẩy giá cả hàng hóa tăng vọt, khiến công tác bình ổn giá hàng hóa trên thị trường gặp khó và trở thành biến số lớn đối với nền kinh tế. Ngược lại, giá cước vận tải thấp là nhân tố giúp giá cả phải chăng hơn”, ông Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết.

Trước những bất cập của việc điều hành xăng dầu năm vừa qua, đóng góp cho việc sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, đại diện cho tiếng nói của hơn 1.000 doanh nghiệp hội viên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kỳ vọng năm nay giá xăng dầu ổn định để doanh nghiệp vận tải có thể tiếp đà phục hồi, dù điều này chắc khó vì còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới.

Tuy nhiên, điều cần thiết là cơ quan quản lý cần nhanh nhạy điều hành, tránh làm cho thị trường bất ổn hay gây nên tình trạng thiếu hụt xăng dầu, bồi thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

=>>> Có thể thấy, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí vận tải nên khi giá xăng dầu biến động thất thường, tăng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp vận tải, nhiều thời điểm càng chạy càng lỗ. Mặc dù phụ thuộc vào giá thế giới, nhưng doanh nghiệp vẫn luôn mong giá xăng dầu ổn định, không bị thiếu hụt nguồn cung để bảo toàn lợi nhuận.

2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

PVT: VNDirect nhận định: Không còn khoản thanh lý tàu cũ, lãi vòng PVT có thể đi ngang trong năm nay.

Trong báo cáo về Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (Mã: PVT), chứng khoán VNDirect nhận định, PVT có thể giữ vững đà tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 nhờ tích cực trẻ hóa đội tàu.

Theo VNDirect, hiện tại, nga đang chuyển hướng xuất khẩu dầu thô, nhiên liệu sang các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ khiến các chuyến đi dài hơn và gây áp lực lên thị trường tàu vận tải xăng dầu toàn cầu. Báo cáo từ Clarksons Research, cung – cầu thị trường tàu chở dầu thô về cơ bản vẫn sẽ không thay đổi. Với sự thay đổi trong dòng chảy năng lượng và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau mở cửa, nhu cầu vận chuyển dầu thô được dự báo sẽ tăng lên trong khi các quy định mới về khí thải dự kiến sẽ gây lực lên lên nguồn cung tàu chở dầu thô đang hoạt động.

Trong khi đó, triển vọng thị trường tàu chở nhiên liệu dường như sẽ tích cực hơn sau lệnh cấm mới nhất của EU đối với nhiên liệu từ Nga vào tháng 2 vừa qua, nhất là trong bối cảnh nguồn cung tàu chở nhiên liệu vốn đã bị thắt chặt trong giai đoạn 2023 – 2024 do số đơn đặt hàng thấp trong những năm gần đây. Vì thế, giá cước vận tải tàu chở dầu, nhiên liệu có thể duy trì ở mức cao trong năm nay, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PVTrans.

Từ những quan điểm trên, PVTrans dự phóng, năm 2023, doanh thu của công ty có thể đạt 9.390 tỷ đồng tăng 4%, lợi nhuận ròng khoảng 869 tỷ đồng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ do công ty không còn ghi nhận thu nhập bất thường từ thanh lý tàu cũ trong năm 2022.

=>>> Theo như nhận định của các bên chuyên gia, động lực tăng trưởng của PVT từ năm 2023 sẽ là yếu tố giá cước vận tải chở dầu duy trì ở mức cao và việc liên tục trẻ hóa đội tàu, gia tăng năng suất. Tuy vậy, lợi nhuận ròng của PVTrans có thể đi ngang so với năm ngoái do không còn khoảng thu nhập bất thường từ thanh lý tàu cũ trong năm 2022.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTCPVTrans, dự phóng của VNDirect.

3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Kích thanh khoản cho bất động sản.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc: “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững”, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thuơng mại để cho các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân vay. Cụ thể, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Đối với người mua NOXH, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua NOXH, nhà ở công nhân.

Theo tiết lộ của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, một bộ cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản đang được bàn luận. Còn về cơ chế chính sách hiện nay, theo ông Lực, có 2 nhóm chính sách ngắn hạn và trung-dài hạn đang được Chính phủ vào cuộc. Thứ nhất, về ngắn hạn, cần phải giải quyết vấn đề trước mắt là pháp lý. Nếu tháo gỡ được pháp lý, hàng trăm dự án sẽ được giải tỏa và dòng tiền sẽ từ đó mà ra. Thứ hai là vấn đề vốn, năm nay nóng nhất là trái phiếu, ước tính sơ bộ có 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn và năm sau là khoảng 110.000 tỷ đồng. Nếu như các doanh nghiệp bất động sản không mua lại trái phiếu thì phần đó vẫn còn, mặt giải pháp xử lý vẫn còn đang thảo luận.

Nhóm vấn đề nữa liên quan đến vốn tín dụng, theo ông Lực, dòng vốn này trong năm nay cơ bản không có vấn đề gì. Chỉ có hai vấn đề tiếp tục kiến nghị là cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài ra còn một dòng vốn khác đến từ việc M&A đang xuất hiện rất nhiều trong thời gian qua. Ông Lực cho biết, nhiều doanh nghiệp M&A đang đề nghị nên cho phép ngân hàng cho vay phần vốn thiếu hụt khi thực hiện thương vụ. Điều này nên cho phép vì hoàn toàn khả thi. “Doanh nghiệp có 70%, ngân hàng tài trợ 30% thì không có vấn đề gì,” ông nói.

=>>> Có thể thấy, các bên chuyên gia đang cố gắng giải thích những thông điệp từ những giải pháp hỗ trợ bất động sản từ Chính phủ. Theo như TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp phải nhìn nhận thẳng thắn những gì mình đã làm được và chưa được để rút kinh nghiệm, chứ không phải doanh nghiệp bị bỏ rơi. Thị trường bất động sản kỳ vọng những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ sẽ giúp phục hồi niềm tin tiêu dùng và khơi thông được dòng vốn, thanh sạch thị trường về dài hạn.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 27/02/2023

________________

________

Xem thêm các dịch vụ khác của AzFin: 

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin