Điểm tin chứng khoán ngày 21/12/2022

bởi khởi đăng

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/12/2022.

1. Điểm tin chứng khoán vĩ mô

– Khủng hoảng năng lượng Châu Âu mới chỉ bắt đầu?

Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel được Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố, tổng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu năm nay đã tăng thêm 1,06 nghìn tỷ USD. Đây là một hệ quả rõ ràng của cuộc đối đầu giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó phương Tây trút các lệnh trừng phạt mạnh tay lên Moscow và Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Một điều đáng lưu ý là lượng khí đốt trong các bể dự trữ của châu Âu đã bắt đầu giảm xuống, còn 84% ở thời điểm ngày 17/12 – từ mức gần đầy trước khi mùa đông bắt đầu, theo dữ liệu từ Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức dự trữ khí đốt này vẫn cao hơn, nhưng thách thức thực sự sẽ xuất hiện vào năm 2023, khi châu Âu tiếp tục phải làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông 2023-2024.

Về phía chuyên gia, các nhà phân tích từ cơ quan nghiên cứu kinh tế Châu Âu Bruegel nói rằng nếu các chính phủ ở châu Âu không triển khai biện pháp nào khác ngoài hỗ trợ tài chính, và nếu họ gánh vác tất cả phần chi phí năng lượng tăng thêm, số tiền phải chi ra sẽ tương đương 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của EU – một con số khổng lồ. “Hỗ trợ to lớn của chính phủ có thể dẫn tới trì hoãn thích nghi với một mức cân bằng giá cả mới, từ đó tạo ra nhu cầu phải có thêm hỗ trợ”, Bruegel nhận định. Tổ chức nghiên cứu này nói rằng thay vì hỗ trợ tài chính, EU cần một “cuộc mặc cả quy mô lớn” để khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, song song với gia tăng nguồn cung.

=>>> Có thể thấy, Châu Âu đã đạt được một thành công lớn là tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này được cho là sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2023. Cụ thể, năm tới có thể sẽ khó khăn hơn nhiều đối với các nước trong khu vực nếu nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục bị thắt chặt, điều này đòi hỏi nỗ lực từ chính phủ trong việc hỗ trợ tài chính, đồng thời “măc cả” trên diện rộng để gia tăng nguồn cung cho đất nước.

Đâu là hồi kết cho cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu?

– Niềm tin của doanh nghiệp Trung Quốc xuống thấp nhất gần một thập kỷ

Theo khảo sát được công bố ngày 19/12 của World Economics, niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc (Chỉ số BCI) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013. Đây là kết quả của cuộc khảo sát của World Economics với các giám đốc bán hàng tại hơn 2.300 công ty tại Trung Quốc, được thực hiện từ ngày 1-16/12. Theo đó, chỉ số niềm tin đã giảm từ 51,8 trong tháng 11 xuống còn 48,1 trong tháng 12. Đây là con số thấp nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào năm 2013.

Kết quả khảo sát này là một trong những chỉ số đầu tiên cho thấy tâm lý doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh mạnh tay nới lỏng các biện pháp chống dịch hà khắc mà nước này đã suy trì suốt 3 năm qua. Hiện tại, trên khắp Trung Quốc, làn sóng lây nhiễm Covid vẫn đang gia tăng. “Cuộc khảo sát này cho thấy rõ ràng rằng tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc đã giảm đáng kể và có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023”, World Economics nhận định.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong tháng 12 khi các chỉ số khảo sát với giám đốc bán hàng trong khu vực Sản xuất và Dịch vụ đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm. “Tỷ lệ các công ty nói rằng họ đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid đã tăng mạnh trong khảo sát này, với hơn một nửa số người được hỏi nói rằng hoạt động kinh doanh của công ty họ đang bị tổn hại theo nhiều cách khác nhau”, tổ chức cung cấp dữ liệu có trụ sở tại London cho biết.

=>>> Việc chỉ số niềm tin các doanh nghiệp Trung Quốc giảm xuống còn 48,1 trong T12/2022- mức thấp nhất kể từ T1/2013 phản ánh tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 gia tăng đối với hoạt động kinh tế sau khi đất nước tỷ dân bất ngờ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch.

– Xuất khẩu thép xây dựng tiếp tục giảm thêm 53% trong tháng 11

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11, tình hình sản xuất thép xây dựng vẫn tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do việc cắt giảm sản xuất từ các công ty thép. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11 đạt 682.800 nghìn tấn, giảm 5% so với tháng trước và giảm 37% so với T11/2021.

Bán hàng thép xây dựng đạt 874.631 tấn, tăng 23% so với tháng trước và đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn, giảm 52,5% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ 2021. Bán hàng thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn, tăng 3%, trong đó xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của VSA, 11 tháng đầu năm, tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đạt 3,9 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 35% thị phần tiêu thụ thép xây dựng, dẫn đầu toàn ngành.

=>>> Tình hình sản xuất thép xây dựng vẫn tiếp tục sụt giảm trong T11/2022 do giá nguyên liệu sản xuất thép giảm liên tục từ tháng 4 đến nay, nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm khi thị trường bất động sản chững lại, biến động tỷ giá đồng ngoại tệ- những yếu tố khiến các nhà máy thép gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.

(Số liệu: VSA, Biểu đồ: Hoàng Anh)

2. Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

TLG: Dự chi 117 tỷ đồng trả cổ tức đợt 2/2022 tỷ lệ 15%.

Ngày 30/12 tới đây, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (mã CK: TLG) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 1.500 đồng. Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 11/1/2023.

Theo đó, với gần 77,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, TLG dự chi gần 117 tỷ đồng để trả cổ tức. Dự kiến, ngày 11/1/2023, các cổ đông của TLG sẽ nhận được tiền vào tài khoản.

Trước đó, vào ngày 03/06, TLG đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền cũng với tỷ lệ 15% cho các cổ đông. Như vậy, tổng mức chi trả cổ tức năm 2022 của TLG là 30% bằng tiền – tương đương 3.000 đồng/đơn vị, qua đó hoàn thành kế hoạch đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2022, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 899 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, Tập đoàn lãi sau thuế 104 tỷ đồng, trong khi quý III/2021 có lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn ghi nhận đạt 2.780 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Lãi ròng ghi nhận khoản 404 tỷ đồng, tăng 125% so với 9 tháng năm 2021.

=>>> Từ khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, TLG bắt đầu tái cấu trúc các kênh bán hàng, gia tăng hiệu quả, dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp đã khiến giá thành sản xuất của TLG được tối ưu, giúp doanh nghiệp dự chi được gần 117 tỷ đồng cho hoạt động trả cổ tức đợt 2 năm 2022. Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, TLG đặt mục tiêu 3.250 tỷ doanh thu và 280 tỷ lợi nhuận. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, công ty thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu và hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm.

3. Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Thị trường bất động sản 2023: Cơ hội và thách thức?

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã đưa ra 3 kịch bản và 5 rủi ro cho thị trường bất động sản năm tới.

Kịch bản 1: Thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn. Đây là phương án tiên tiến, ngoại suy và có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến; các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua, nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu thế.

Kịch bản 2: Thị trường có động năng mới do bộ ba luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản được ban hành, do đó xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi. Đồng thời với tình hình trong và ngoài nước ổn định và vốn nước ngoài tiếp tục vận hành vào. Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kỳ đi lên mới. Thị trường địa ốc dự báo sẽ vượt qua điểm lõm.

Kịch bản 3: Kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Theo đó, thị trường bất động sản sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường.

5 rủi ro hiện hữu: (1): Vĩ mô thế giới: Khủng hoảng kinh tế được dự báo bao giờ xảy ra, với xác suất bao nhiêu?; (2): Vĩ mô Việt Nam: Lạm phát, lãi suất và tỷ giá có tiếp tục tăng không? Hay Tín dụng vào bất động sản có bị kiểm soát không, cán cân thương mại như thế nào?; (3): Rủi ro thị trường: Nếu không có chính sách kịp thời, liệu thị trường có còn bị thu hẹp hơn? (4): Rủi ro đối tác: hiện nay xuất hiện thêm rủi ro phái sinh là một số doanh nghiệp bị phong tỏa tài sản do liên quan đến các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề pháp lý. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác đang có những diễn biến tài chính khó khăn; (5): Rủi ro chính sách: các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá,… theo chuyên gia nếu thay đổi theo hướng tăng cao hơn nữa sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

=>>> Có thể thấy, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay rất khác so với trong quá khứ, khi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Chính vì vậy, bài toán đặt ra cho thị trường bất động sản trong thời gian tới là sự hỗ trợ của chính phủ về cơ chế, chính sách như thế nào, thực tiễn ra sao- những key catalysts mà nhà đầu tư cần theo dõi có thể giúp thị trường bất động sản hồi phục.

XEM THÊM: Điểm tin chứng khoán ngày 20/12/2022

————

Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam

Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam

Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/

Khoá học đọc vị cổ phiếu: https://docvicophieu.azfin.vn/

Khoá học chinh phục cổ phiếu ngân hàng: https://chinhphuccophieunganhang.azfin.vn/

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin