Điểm tin chứng khoán ngày 14.11.2022

bởi Hà Giang

Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/11/2022.

Điểm tin chứng khoán vĩ mô

Bloomberg: Trung Quốc có thể đã đưa ra gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng có

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) vào ngày thứ Sáu đã chính thức ra thông cáo chung đến các tổ chức tài chính nhằm yêu cầu lên kế hoạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững và ổn định của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thông tin này chưa được công bố công khai. Không giống các lần giải cứu trước đây trong quá khứ, biện pháp cứu thị trường bất động sản mới nhất toàn diện hơn, nó bao gồm 16 biện pháp, từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản mà các doanh nghiệp bất động sản đang đương đầu cho đến việc nới điều kiện thanh toán cho người mua nhà. Theo kế hoạch giải cứu này, các khoản nợ ngân hàng của các doanh nghiệp trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn đến 1 năm, cùng lúc đó, việc trả lại các khoản tiền trái phiếu cũng có thể được kéo dài hoặc thực hiện điều chỉnh điều khoản thông qua đàm phán.

Tính chung, việc thay đổi định hướng chính sách mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình áp dụng sẽ hạ nhiệt đi hai yếu tố gây căng thẳng kinh tế Trung Quốc cho đến hiện tại đồng thời sẽ giúp cho thị trường chứng khoán hồi phục trở lại. Chỉ số cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc tại Hồng Kông đã tăng 17% trong vòng 2 tuần qua. Trong thời gian gần đây, giới chức Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn khủng hoảng trên thị trường bất động sản bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc hạ lãi suất, hối thúc các ngân hàng trung ương cấp các khoản tín dụng trị giá ước tính khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 140 tỷ USD trong những tháng cuối cùng của năm, đồng thời cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách nhằm đảm bảo các dự án bất động sản được triển khai.

Trung Quốc đồng thời mở rộng kênh hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có được thiết kế để giúp các doanh nghiệp tư nhân trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, động thái sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản bán thêm được trái phiếu và làm dịu tình hình thanh khoản. Một trong những thách thức chính sách quan trọng nhất chính là việc nới lỏng dần dần điều kiện tín dụng các ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Trung Quốc bắt đầu hạn chế tín dụng bất động sản từ năm 2021, giới chức Trung Quốc muốn hạn chế bong bóng trong ngành bất động sản cũng như kiềm chế tình trạng vay nợ quá mức tại nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhất. Những ngân hàng không đáp ứng được các yếu tố hạn chế hiện tại sẽ có thêm thời gian để thực hiện nó.

  • Nhận xét: Động thái mới nhất từ các nhà chức trách Trung Quốc có thể coi như dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát và trừng phạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, một trong những yếu tố quan trọng nhất kéo lùi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. 

“Át chủ bài” giúp Nhật Bản có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ bất chấp làn sóng tăng lãi suất

Với việc Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, BoJ đang có vẻ bị cô lập hơn bao giờ hết và phải chịu rất nhiều áp lực từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nước Nhật đang đặt một ván cược khổng lồ rằng một loạt tiến triển ở cả trong và ngoài nước sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách nhất. Mức lương trong các công ty Nhật Bản đang tăng đáng kể, lạm phát “tốt” bắt đầu xuất hiện, đồng yên ổn định trở lại, Mỹ suy thoái nhẹ và FED đảo chiều chính sách lãi suất.

Các nhà phân tích cho rằng, con át chủ bài của BoJ có thể không phải là cơ may Fed đảo chiều lãi suất, mà là các cuộc đàm phán về tiền lương “shunto” vào mùa xuân. Có lẽ thời thế đã thay đổi, vì trong các cuộc đàm phán mùa xuân, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đang tìm cách tăng mức lương thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thêm 3% so với lương cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1995. Nếu một đợt tăng lương lớn như vậy có thể xảy ra, nó cũng sẽ trùng với sự kiện thay đổi chức vụ thống đốc BoJ khi nhiệm kỳ của ông Kuroda hết hạn vào tháng Tư. Nếu mức lương có xu hướng tăng, thống đốc BoJ kế nhiệm có thể tự tin xem xét việc điều chỉnh lại chương trình nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính (QQE).

Chỉ trong năm nay, đồng yên đã giảm 28% so với đồng đô la, điều này đã làm dấy lên câu hỏi lớn hơn về việc các thị trường Nhật Bản có đáng để đầu tư hay không. Mười năm trước, các cải cách kinh tế và chính sách theo học thuyết “Abenomics” đã đưa các cổ phiếu niêm yết tại Tokyo, được đo lường bằng chỉ số Topix, vào một đợt tăng giá trong nhiều năm và tăng gần 100% về giá trị. Nhưng gần đây, chứng khoán Nhật Bản, ở một mức độ nào đó, đã trở thành một ví dụ điển hình khác cho thấy chính sách của BoJ đã vượt xa kế hoạch ban đầu. Trong hai năm rưỡi sau khi ông Shinzo Abe lên làm thủ tướng vào năm 2012 và bổ nhiệm Kuroda làm thống đốc BoJ, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 25 triệu cổ phiếu Nhật Bản. Trong những năm từ 2015 đến nay, họ đã hoàn toàn làm ngược lại, bán được 25,6 nghìn tỷ yên. Trong 10 năm qua, BoJ đã mua ròng 36 tỷ yên, thông qua chương trình mua ETF của mình.

Rất ít nhà kinh tế học kỳ vọng Kuroda sẽ thay đổi quan điểm trước khi nhiệm kỳ của ông hết hạn vào năm sau. Nhưng khi Nhật Bản thay đổi (sớm hay muộn, và nhiều người cho rằng đây là việc không thể tránh khỏi), thì đó sẽ là một câu chuyện đầy rủi ro. Cho đến giờ, các nhà hoạch định chưa đưa ra các phương án rút lui lộn xộn. Nhưng Kuroda sẽ cẩn thận theo dõi vòng flop (vòng chia 3 lá bài đầu tiên trong poker), hy vọng ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với bộ bài đẹp nhất có thể.

  • Nhận xét: Có vẻ thời cơ đã chín muồi cho một đợt tăng giá của đồng tiền Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản có tình hình tương đối ổn định, và vì giá đồng Yên, nên giá cổ phiếu của họ cũng tương đối hấp dẫn.

Xem thêm: Cập nhật KQKD của VPB Q3/2022

Phấn đấu khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 12/2022

Chính phủ ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm. Bảo đảm khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 12 năm 2022; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thành phần đi qua địa bàn các địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để trình Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất; chủ động làm việc với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo giải trình, làm rõ các nội dung liên quan. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này trong tháng 11 năm 2022.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định việc giao đất cho nhà đầu tư trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Thúc đẩy đàm phán “Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” giữa Việt Nam với các nước G7 và các đối tác phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đánh giá tính khả thi về hạ tầng cơ sở, công nghệ và tài chính cho chuyển đổi từ năng lượng điện than sang năng lượng tái tạo; tác động của gói tài chính đối với ngân sách, nợ công; bảo đảm tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thế giới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức một cách hiệu quả nhất, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

  • Nhận xét: Dự án cảng hàng không Long Thành là dự án tiềm năng cho Việt Nam. Với tốc độ triển khai, và nếu dự án triển khai suôn sẻ, đây là một khoản đầu tư lớn đáng được theo dõi.

Điểm tin chứng khoán về kênh cổ phiếu

DGC: Hóa chất Đức Giang (DGC) dự kiến giảm giá bán và sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng do nhu cầu điện tử sụt giảm mạnh, dự án Nghi Sơn chậm tiến độ

Theo đó, Ban lãnh đạo DGC cho biết trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. Nhiều nhà sản xuất chips và chất bán dẫn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) lên kế hoạch giảm sản lượng do lo ngại tồn kho lớn và rủi ro dư cung Q4/2022-1H2023. DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 – 6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022.

Ban lãnh đạo công ty cũng chia sẻ về việc Dự án Nghi Sơn chậm tiến độ so với dự kiến. Theo đó, dự kiến chậm nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 và tầm một năm sau sẽ đi vào hoạt động. Sản lượng sản xuất giai đoạn 1 của Nghi Sơn ~ 50 nghìn tấn PVC. Nguồn vốn cho dự án Nghi Sơn chủ yếu đến từ vốn tự có khi DGC có gần 8.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm. Ban lãnh đạo DGC cho biết Công ty đang cân nhắc có nên sử dụng hợp đồng vay với HSBC (vay USD) hay không trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao.

DGC đã khai thác khai trường 25 với trữ lượng 3,6 triệu tấn quặng trong vòng 6 năm, ước tính trữ lượng khai thác tầm 600 nghìn tấn/năm. Khai trường này giúp DGC tự chủ 50% nguyên liệu đầu vào trong 2022, ước tính tiết kiệm 50-60% chi phí mua quặng. Ngoài ra, Công ty cũng có kế hoạch nâng mức tự chủ nguyên liệu đầu vào từ 70-80% trong thời gian tới. Công ty dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LCD (axit photphoric cấp điện tử) sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023, bù đắp cho lượng xuất khẩu P4 giảm. Ban lãnh đạo công ty cho biết các khách hàng mua LCD đều kiểm định chất lượng hàng hóa khi nhập hàng vì vậy Công ty chú trọng đến chất lượng chế biến sâu mặt hàng này (biên lãi gộp cao LCD hơn phốt pho vàng).

Do nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa đang ở mức thấp, DGC chủ động đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh do nguồn cung phân bón thế giới vẫn kém do Nga & Trung Quốc – hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới áp hạn ngạch xuất khẩu các loại phân bón quan trọng như Urea, DAP, MAP, NPK. Năm 2023, Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động 2023, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm.

  • Nhận xét: Giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng. Vi vậy, có lẽ sắp tới DGC sẽ phải đối diện một số thử thách.

Điểm tin chứng khoán về kênh tài sản khác

Giá chung cư Hà Nội đột ngột “hạ nhiệt”, có nơi giảm hàng trăm triệu đồng

“Trong hơn 2 tháng qua khi thị trường trong cơn khó khăn thì phân khúc chung cư ở Hà Nội vẫn ghi nhận sự sôi động cả về giá và giao dịch. Giá chung cư Hà Nội có sự điều chỉnh tăng tương đối tốt với hàng thứ cấp bởi khi mà lượng hàng sơ cấp ra ở giá cao hơn thì lượng hàng thứ cấp giao dịch khá tốt. Thống kế trong năm vừa rồi, giá chung cư Hà Nội có những khu vực tăng từ 30-35% và tốc độ thanh khoản tốt và đối với người tiêu dùng nói riêng. Họ nhận thấy rằng khi thị trường có dấu hiệu khó khăn hơn, các chủ đầu tư mới khó ra hàng hơn, đặc biệt là chi phí đầu vào, giá vật liệu xây dựng tăng thì tất cả các sản phẩm chung cư thứ cấp phục vụ nhu cầu người dân đều có sức thanh khoản tốt. Có những dự án có hàng trăm giao dịch thứ cấp trong vòng 1 tháng”, ông Duy cho biết.

Chính vì lẽ đó, giá chung cư ở Hà Nội đã tăng vù vù. Cách đây 1-2 tháng, với tầm tài chính 3 tỷ đồng không tìm được căn chung cư 2 phòng ngủ nào ở khu vực Thanh Xuân, Mỹ Đình, Cầu Giấy… Chính vì lẽ đó, giá chung cư ở Hà Nội đã tăng vù vù. Cách đây 1-2 tháng, với tầm tài chính 3 tỷ đồng không tìm được căn chung cư 2 phòng ngủ nào ở khu vực Thanh Xuân, Mỹ Đình, Cầu Giấy… “Tôi nhờ môi giới tìm căn 2 phòng ngủ với diện tích từ 68-87m2 mà môi giới báo không có căn nào ở tầm tài chính 3 tỷ cả. Hiện những căn 2 phòng ngủ với diện tích trên đều trong tầm 3,3-4 tỷ đồng. Môi giới có dẫn tôi đi xem một căn 2 ngủ với diện tích 84m2 ở khu vực Kim Giang, Thanh Xuân với giá 3,65 tỷ đồng. Tôi lắc đầu ngao ngán vì không thể theo nổi tốc độ tăng giá của chung cư. Bởi trước đó vài tháng, căn hộ như vậy có giá tầm 3-3,1 tỷ đồng”, anh Ngô Phong cho hay.

Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, giá sơ cấp trên thị trường đã giảm nhẹ đối với phân khúc chung cư. Tại phân khúc căn hộ, giá bán sơ cấp trung bình trong quý đạt khoảng 1.858USD/m2, giảm 3,1% so với quý trước. Bên cạnh việc giảm trực tiếp vào giá bán, các chủ đầu tư bất động sản cũng cung cấp các chương trình chiết khấu, khuyến mãi đa dạng, hấp dẫn hơn, các lịch trình thanh toán linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ người mua nhà. Theo Cushman & Wakefield, nguyên nhân khiến giá bán giảm nhẹ là do những khó khăn trên thị trường bất động sản, đặc biệt, việc kiểm soát tín dụng đã gây khó khăn trong giải ngân vốn vay cho khách hàng, dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ đều giảm trong quý.

  • Nhận xét: Sau thời gian giá chung cư tăng “nóng” khiến nhiều người quyết định từ bỏ ý định mua nhà thì hiện nay giá đã có dấu hiệu quay đầu giảm.

Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 11.11.2022

————

Website: https://azfin.vn/

Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam

Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam

Bài viết liên quan

Để lại Bình Luận

LIÊN HỆ NGAY

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN AZFIN VIỆT NAM

     

    AzFin Việt Nam xác định cho mình sứ mệnh trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của nhà đầu tư giá trị thông qua các giải pháp đào tạo, tư vấn tài chính, chứng khoán toàn diện và đồng hành cùng nhà đầu tư trong hành trình xây dựng tháp tài sản bền vững. 

    @2021 – Bản quyền nội dung thuộc về AzFin