Mục lục bài viết
Kính mời các quý anh chị nhà đầu tư cùng AzFin điểm qua những điểm tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế, chứng khoán trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/06/2022.
ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VĨ MÔ
OPEC cân nhắc loại Nga khỏi các thoả thuận dầu mỏ

Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang cân nhắc về việc loại Nga – đối tác trọng yếu của tổ chức, ra khỏi các thoả thuận dầu mỏ, sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của Moscow.
Việc loại trừ Nga khỏi các mục tiêu sản xuất dầu có khả năng mở đường cho Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất khác trong OPEC bơm thêm lượng dầu thô nhiều đáng kể.
Những biện pháp trừng phạt từ Mỹ và EU nhằm mục đích cắt đứt một nguồn viện trợ lớn cho chiến tranh, gây tổn thương sâu sắc cho nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu nhiên liệu.
Trong bối cảnh chính sách này được quyết định thì việc loại bỏ Nga ra khỏi các thỏa thuận dầu mỏ có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái toàn cầu và giá năng lượng sẽ còn leo thang trong thời gian dài.
FTAs trợ lực cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Trước những diễn biến căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết khiến giá cước vận tải biển tăng cao nhưng ngành gỗ vẫn duy trì đà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong nửa đầu năm 2022. Chúng tôi cho rằng hoạt động xuất khẩu gỗ sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm khi tình hình vĩ mô dần ổn định
Giá lúa mì nhập khẩu tăng 35%
Theo số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 5 cả nước nhập khẩu 183.064 tấn lúa mì, kim ngạch đạt 65,7 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/5, cả nước nhập khẩu hơn 1,73 triệu tấn lúa mì, tổng kim ngạch đạt 638 triệu USD. So với cùng kỳ 2021, lượng nhập khẩu giảm nhẹ hơn 35.000 tấn, nhưng tổng kim ngạch tăng mạnh 32,53%.
Lượng giảm nhẹ trong khi kim ngạch tăng cho thấy trị giá bình quân mỗi tấn lúa mì nhập khẩu cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trị giá bình quân 368 USD/tấn, tăng tới 35,3% so với cùng kỳ 2021 (tương đương tăng thêm gần 100 USD).
Xét về thị trường nhập khẩu, Australia là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Việt Nam với 946.506 tấn (giảm 20,9% yoy); tiếp đó là Brazil 299.385 tấn (+23,4 % ), Hoa Kỳ 104.391 tấn (tăng 38,4% yoy); Thị trường đáng chú ý khác là Nga, cùng kỳ năm 2021 đạt hơn 15.000 tấn, kim ngạch hơn 11 triệu USD nhưng dữ liệu những tháng đầu năm năm 2022 chưa ghi nhận phát sinh dữ liệu nhập khẩu.
Việc giá lúa mì liên tục tăng cao có thể tác động không mấy khả quan tới chi phí thức ăn chăn nuôi, kéo theo giá thực phẩm tăng cao và áp lực lạm phát cao hiện hữu
ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VỀ KÊNH CỔ PHIẾU
Doanh số Thực phẩm Sao Ta đạt gần 100 triệu USD sau 5 tháng, tăng 31% yoy
Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) thông báo sản lượng sản xuất tôm thành phẩm tháng 5 đạt 2.000 tấn, giảm 7 tấn so cùng kỳ năm 2021. Sản xuất nông sản đạt 317 tấn, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Doanh số tiêu thụ chung ghi nhận 22,2 triệu USD (~ 510 tỷ đồng), tăng trưởng 35%.
Lũy kế 5 tháng, doanh số tiêu thụ chung đạt gần 100 triệu USD (~ 2.295 tỷ đồng), tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cho biết đang tiến hành thu hoạch tôm, dự kiến hoàn tất trong tháng 6, sau đó sẽ tiến hành thả nuôi vụ II. Tình hình nuôi tôm năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng kết quả khá khả quan góp phần làm giảm giá thành và tăng lợi nhuận ở quý II. Khu nuôi mới đang làm ao, có chậm trễ do mưa nhiều, dự kiến sẽ hoàn tất và thả giống cho vụ II.
Kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản tăng cao tại các nước Châu Âu có thể thúc đẩy lợi nhuận FMC trong năm 2022
ĐIỂM TIN CHỨNG KHOÁN VỀ KÊNH TÀI SẢN KHÁC
Chuỗi thức ăn nhanh Chipotle chính thức chấp nhận tiền mã hóa tại các cửa hàng ở Mỹ
Flexa là cổng thanh toán kỹ thuật số đa năng chủ yếu dành cho người bán, hiện đang hỗ trợ khoảng 98 loại tiền tệ, trong đó có BTC và ETH. Flexa có khả năng tương thích với phần cứng tại điểm bán hàng (POS) và ra đời nhằm mục đích giảm chi phí cũng như thời gian thanh toán cho người dùng. Khách hàng có thể sử dụng cổng thanh toán này để thanh toán thực phẩm tại bất kỳ điểm bán nào trong số gần 3000 nhà hàng Chipotle tại Hoa Kỳ. Để thanh toán bằng Flexa, khách hàng cần tải xuống ứng dụng Gemini hoặc SPEDN.
Chipotle không phải là nhà hàng đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa. Kể từ năm 2013, Subway là một trong những công ty đầu tiên chấp nhận Bitcoin trong các cửa hàng. Pizza Hut ở Venezuela cũng mở cửa cho tiền mã hóa vào năm 2020. Người dùng đã có thể mua ly cà phê ở Starbucks bằng Bitcoin vào tháng 05/2019
Bên cạnh đó, các chuỗi thức ăn nhanh khác cũng đang cố gắng thử nghiệm blockchain và tiền mã hóa dưới nhiều hình thức như Taco Bell, KFC, Chick-fil-A và Carl’s Jr. Một vài chuỗi gần đây đã nộp đơn xin nhãn hiệu thương hiệu cho NFT.
Việc chuỗi thức ăn nhanh Chipotle chấp nhận thanh toán sẽ là bước tiến mạnh mẽ trong việc phổ biến ứng dụng của đồng tiền kỹ thuật số ra toàn cầu
Xem thêm: Điểm tin chứng khoán ngày 02/06/2022
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://azfin.vn/
🌎 Fanpage AzFin Việt Nam : https://www.facebook.com/AzFinVietNam
📺 Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
————