Mục lục bài viết
Những nhà đầu tư chứng khoán theo trường phải đầu tư cơ bản đều cần phân tích báo cáo tài chính. Nhưng chỉ số nào đáng chú ý? Cổ phiếu nào nên được chọn đầu tư, cổ phiếu nào nên tránh xa? Đó là điều mà không phải ai cũng biết.
Bài viết dưới đây, AzFin sẽ cung cấp một số chỉ số nhà đầu tư có thể quan tâm khi phân tích báo cáo tài chính trong chứng khoán.
1. Ý nghĩa của việc phân tích báo cáo tài chính với nhà đầu tư chứng khoán
Phân tích Báo cáo tài chính (BCTC) là điều cần thiết trước khi đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó, đặc biệt với các nhà đầu tư (NĐT) theo trường phái FA.
Xét trên góc độ NĐT chứng khoán việc đọc, phân tích BCTC có các ý nghĩa sau đây:
- Giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác thực trạng và tình hình sức khỏe tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp, tính hợp lý của cấu trúc tài chính…
- Phát hiện ra các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của doanh nghiệp để tránh xa. Bên cạnh đó, từ BCTC, các NĐT có thể nhận diện được các cơ hội vàng giúp tăng giá cổ phiếu trong tương lai gần.
- Thông qua Phân tích BCTC, nhà đầu tư có thể dự báo được dòng tiền, khả năng sinh lợi, doanh thu, lợi nhuận và triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp để ra những chiến lược đầu tư đúng đắn.
- Việc phân tích báo cáo tài chính còn là cơ sở để đưa ra mức định giá cho cổ phiếu. Từ đó, các NĐT theo trường phái cơ bản ra quyết định mua bán cổ phiếu đầu tư.
2. Phân tích báo cáo tài chính thông qua bảng cân đối kế toán
Mỗi doanh nghiệp cần duy trì một lượng vốn luân chuyển hợp lý để đáp ứng kịp các khoản thanh toán đến hạn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh thông suốt.
Bước đầu trong phân tích báo cáo tài chính cần phân tích bảng cân đối kế toán. Hãy cùng AzFin phân tích bảng cân đối để đánh giá khả năng thanh toán và sức khỏe tài chính của các cổ phiếu.
Ngoài ra, cần xét thêm yếu tố cổ tức nếu nhà đầu tư muốn đầu tư vào doanh nghiệp ăn cổ tức.
Nếu doanh nghiệp chín muồi thì nên chọn các doanh nghiệp có suất cổ tức cao, trả đều đặn hàng năm để đầu tư.
Việc chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm là dấu hiệu quan trọng để chứng tỏ sự lành mạnh về dòng tiền và lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là thực chất. Ngoài ra, điều đó còn thể hiện ban lãnh đạo đối xử công bằng với cổ đông.
2.1. Hệ số thanh toán hiện hành
Hệ số này thể hiện khả năng thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Hệ số này <1: Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Dấu hiệu này báo hiệu rủi ro về khả năng thanh toán mà doanh nghiệp có thể gặp phải.
Ngược lại, hệ số này cao cho thấy doanh nghiệp có khả năng chi trả cho các khoản nợ đến hạn.
Tuy vậy, hệ số này quá cao cũng chưa chắc đã tốt. Nếu hệ số này cao quá có thể doanh nghiệp hiện đang sử dụng chưa hiệu quả tài sản của mình. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cần kết hợp xem kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp để đưa ra đánh giá chính xác.
2.2. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay phải trả
Hệ số này = 1,5 là tỷ lệ tiêu chuẩn đối với một doanh nghiệp.
Hệ số thanh toán lãi vay > 1,5 công ty có khả năng thanh toán lớn và đáng chú ý đầu tư. Ngược lại, nếu hệ số <1,5 thì công ty này có rủi ro vỡ nợ cao, khi đó các nhà đầu tư nên cân nhắc.
Ví dụ: Lợi nhuận trước lãi vay và thuế của một doanh nghiệp trong một quý là 3 tỷ đồng và nợ phải trả hàng tháng là 300 triệu đồng, tức 900 triệu đồng/quý.
Hệ số thanh toán lãi vay = 3.000.000.000/ 900.000.000 = 3,33 > 1,5
→ Công ty hiện không có vấn đề gì về thanh khoản.
2.3. Hệ số vòng quay hàng tồn kho
Hệ số này phản ánh năng lực quản trị hàng tồn kho. Vòng quay hàng tồn kho là số lần mà hàng tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ.
Hệ số này lớn cho thấy tốc độ quay vòng của hàng hóa trong kho là nhanh và ngược lại, nếu hệ số này nhỏ thì tốc độ quay vòng hàng tồn kho thấp. Hệ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều.
Tuy nhiên, hệ số này quá cao cũng không tốt và cần xét tùy vào thời kỳ kinh doanh, loại hình kinh doanh, chính sách doanh nghiệp để đưa ra đánh giá.
Ví dụ:
Một doanh nghiệp sản xuất thì cần dự trữ nguồn nguyên vật liệu lớn hơn các doanh nghiệp khác. Việc dự trữ nguyên liệu đầu vào không đủ sẽ khiến dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ. Vì vậy, hệ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất và đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Khi doanh nghiệp nhận thấy giá nguyên liệu đang giảm sẽ đẩy mạnh việc dự trữ nguyên vật liệu sản xuất. Khi đó, hàng tồn kho dự trữ sẽ tăng lên, làm cho vòng quay hàng tồn kho giảm xuống.
Việc mua được nguyên liệu với giá rẻ, sẽ khiến cho giá thành sản xuất giảm xuống, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận. Đây cũng là một dấu hiệu đáng chú ý với các doanh nghiệp sản xuất mà nhà đầu tư nên chú ý khi phân tích báo cáo tài chính.
Nếu doanh nghiệp nào đang sở hữu lượng lớn hàng tồn kho giá rẻ thì khả năng lợi nhuận trong giai đoạn tới sẽ tăng cao. Khi lợi nhuận tăng thì cổ phiếu cũng có khả năng tăng giá tốt.
2.4. Phân tích báo cáo tài chính qua hệ số đòn bẩy tài chính
Hệ số này cho chúng ta thấy được tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Vậy hệ số nợ của doanh nghiệp bao nhiêu là hợp lý?
Mỗi loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, hay mục đích vay…sẽ có mức hệ số nợ phù hợp khác nhau.
Tuy nhiên, thông thường hệ số nợ thấp thể hiện doanh nghiệp có mức độ an toàn cao, rủi ro tài chính thấp. Ngược lại, doanh nghiệp có hệ số nợ cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Ví dụ:
Hãy cùng theo dõi BCTC quý 3/2018 của Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG)
Tính đến quý 3/2018, nợ phải trả của HSG đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Khi này, hệ số nợ của doanh nghiệp tăng lên gần 0,78. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngắn hạn tăng.
Vốn lưu động thuần (NWC) = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn của HSG < 0. Như vậy, HSG đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ cho đầu tư dài hạn. Điều này rất mạo hiểm.
Đặc biệt, 66.7% nợ phải trả là nợ vay ngắn hạn. Như vậy áp lực về lãi vay của HSG không phải là nhỏ.
Xét thêm báo cáo KQKD, lợi nhuận của Hoa Sen có xu hướng giảm. Kết quả kinh doanh của Hoa Sen năm sau thấp hơn năm trước, quý sau thấp hơn quý trước.
Như vậy, thời điểm quý 4 năm 2018 không phải là thời điểm tốt để cân nhắc đầu tư HSG.
2.5. Phân tích báo cáo tài chính qua hệ số Nợ vay / VCSH (D/E)
Hệ số này cho biết tình hình sức khỏe tài chính doanh nghiệp hiện tại. Đồng thời nó còn dùng để đánh giá đòn bẩy tài chính của công ty. Hệ số này càng lớn thì doanh nghiệp đó càng rủi ro.
Nói cách khác, với chỉ số D/E, nhà đầu tư có thể nhận định khả năng liệu VCSH của công ty có thể chi trả các khoản nợ trong trường hợp suy thoái xảy ra hay không.
Hệ số Nợ vay / VCSH < 0.8 đồng nghĩa với việc công ty có sức mạnh tài chính tương đối tốt. Nợ vay/VCSH = 0.8 – 1.3 là vẫn trong mức chấp nhận được nếu doanh nghiệp đầu tư mở rộng. Trong khi tỷ lệ D/E > 1.3 (nợ phải trả chiếm tỉ lệ lớn hơn VCSH) cho thấy sức khỏe công ty và tính cách lãnh đạo doanh nghiệp này khá rủi ro.
Lưu ý khi sử dụng hệ số Nợ vay/VCSH:
– Bởi đặc thù ngành khác nhau, tỷ lệ D/E ở mỗi ngành lại có sự khác biệt:
- D/E ở ngành xây dựng; sản xuất ô tô; tiện ích tương đối cao (do ngành xây dựng cần vốn đầu vào nhiều để chi cho vật tư xây dựng, máy móc- trang thiết bị, v.v.)
- D/E ở ngành công nghệ; dịch vụ lại tương đối thấp (do ngành dịch vụ không cần quá nhiều vốn ban đầu, chủ yếu là trí tuệ nhân lực)
– Nợ dài hạn có rủi ro cao hơn nợ ngắn hạn.
– Vay nợ đầu tư tồn kho rủi ro thấp hơn đầu tư tài sản cố định.
Ví dụ:
Tỷ lệ nợ vay/VCSH của VIC là 104%.
Tỷ lệ nợ vay ròng/VCSH của VIC là 100%.
Tỷ lệ nợ vay như vậy đối với một tập đoàn đang mở rộng sản xuất kinh doanh mạnh (Vinfast) là bình thường. Còn nếu xét trên góc độ vay so với việc hiệu quả kinh doanh của VIC có thể hơi cao một chút.
2.6. Hệ số chiếm dụng vốn
Hệ số này thường được sử dụng khi phân tích báo cáo tài chính một cổ phiếu. Tỷ lệ chiếm dụng vốn cho chúng ta biết một doanh nghiệp chiếm dụng vốn được nhiều hơn hay bị chiếm dụng nhiều hơn. Trong phân tích, công ty nào chiếm dụng được nhiều hơn thì được đánh giá cao hơn.
Hệ số chiếm dụng vốn = Chiếm dụng vốn /Bị chiếm dụng
(Trong đó:
Chiếm dụng vốn = Các khoản phải thu + Thu cần thu lại của nhà nước
Bị chiếm dụng = Nguồn vốn – Vốn vay – VCSH)
Hệ số này > 1 thì tốt hơn những cổ phiếu có tỷ lệ chiếm dụng vốn nhỏ hơn một. Tỷ lệ này càng lớn cho thấy doanh nghiệp có uy tín càng cao và khả năng thương lượng đàm phán tốt hơn.
Ví dụ: Cổ phiếu HPG tại quý 3 năm 2021.
Chiếm dụng vốn của HPG = 90.318 – (43.357+17.711) = 29.250 (tỷ đồng)
Bị chiếm dụng vốn = 10.856 + 717 = 11.573 (tỷ đồng)
Hệ số chiếm dụng vốn của HPG: Chiếm dụng vốn/bị chiếm dụng vốn = 29.250/11.573 = 2.5 >1 .
Như vậy Tỷ lệ chiếm dụng vốn/bị chiếm dụng vốn của cổ phiếu HPG là 2.5 rất tốt. Điều này chứng tỏ vị thế của HPG lớn và có khả năng đàm phán, thương lượng giá với các doanh nghiệp khác.
3. Phân tích báo cáo hoạt động kết quả kinh doanh (KQKD)
Phân tích Báo cáo KQKD là một trong ba bước quan trọng để Phân tích báo cáo tài chính một cổ phiếu. Thông qua phân tích báo cáo KQKD, nhà đầu tư sẽ đánh giá được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
3.1. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS)
Chỉ số này thể hiện: một đồng doanh thu thuần mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng cho doanh nghiệp? Hệ số này không chỉ đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà còn phản ánh hiệu quả trong việc quản lý chi phí của doanh nghiệp.
ROS càng cao thì doanh nghiệp càng có lợi thế cạnh tranh lớn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn là đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh đó.
Tuy nhiên, chúng ta còn cần xét đặc điểm của ngành kinh doanh, chiến lược của từng doanh nghiệp… để đưa ra đánh giá chính xác nhất.
3.2. Tỷ suất lợi nhuận gộp (hay Biên lợi nhuận gộp)
Chỉ số này được sử dụng để đánh giá mô hình kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty như: khả năng tạo ra lợi nhuận, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Vậy chỉ số biên lợi nhuận gộp của một doanh nghiệp như thế nào là tốt hay xấu?
- Một doanh nghiệp duy trì được biên lợi nhuận gộp cao, ổn định qua nhiều năm thường là doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt.
- Biên lợi nhuận gộp có xu hướng tăng qua hàng năm là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy doanh nghiệp đó đang ngày càng được nâng cấp và củng cố lợi thế cạnh tranh.
- Ngoài ra, chúng ta nên chọn các doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với trung bình ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động.
3.3. Tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA)
Hệ số này phản ánh một đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế (LNST). Nhờ vào việc đánh giá ROA, nhà đầu tư xác định được hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp ra sao.
Vậy chỉ số ROA khi nào tốt?
- Mỗi doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ có mức ROA khác nhau. Với những doanh nghiệp cần sử dụng tài sản dài hạn (máy móc, thiết bị,…) lớn như doanh nghiệp sắt thép, giấy, hóa chất… thì ROA là chỉ tiêu vô cùng quan trọng. ROA càng cao càng thể hiện việc doanh nghiệp đó quản lý hiệu quả chi phí khấu hao và chi phí đầu vào tốt.
- Chỉ số ROA có xu hướng tăng qua hàng năm giúp nhà đầu tư nhận định được tình hình doanh nghiệp có đang tốt lên hay không.
- So sánh chỉ số ROA giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Doanh nghiệp nào có ROA cao hơn chứng tỏ khả năng quản trị tài sản hiệu quả hơn.
3.4. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Đây là một chỉ số vô cùng quan trọng trong Phân tích báo cáo tài chính. ROE là chỉ số hiếm hoi có thể sử dụng để so sánh giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành hoạt động khác nhau.
Hệ số này phản ánh mỗi đồng vốn chủ bỏ ra trong kỳ sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế (LNST).
Thông thường, chỉ số ROE càng cao, thể hiện hiệu quả trong việc sử dụng vốn chủ của doanh nghiệp càng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư còn cần so sánh với ROE trung bình ngành để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Chỉ số này phản ánh tổng hợp các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính, trình độ quản trị chi phí, quản trị tài sản, quản trị nguồn vốn của doanh nghiệp. ROE cũng cho biết lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp có tốt không.
Những doanh nghiệp có ROE cao (thường > 20%) và ổn định trong nhiều năm (kể cả khi thị trường khó khăn) là những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ví dụ:
Qua biểu đồ có thể thấy: VCB có ROE trung bình 25% trong khi CTG có ROE trung bình 12%. Điều này cho thấy, VCB có lợi thế cạnh tranh và khả năng quản trị tài chính tốt hơn CTG. Kết quả có thể thấy, kể từ lúc niêm yết VCB tăng 490.28% trong khi CTG chỉ tăng 159.44%.
Tuy nhiên, ROE cao quá cũng chưa hẳn tốt, cùng xét công thức Dupont:
ROE = Biên lợi nhuận ròng * Vòng quay tài sản * Đòn bẩy tài chính
Lợi nhuận ròng (LNR) /VCSH = LNR/ Doanh thu (DT) * Doanh thu /Tài sản * Tài sản/ VCSH
ROE Cao hoặc tăng do biên lợi nhuận ròng, vòng quay tài sản tăng là rất tốt.
Nếu ROE cao và có xu hướng tăng lên do sử dụng đòn bẩy tài chính tăng chưa chắc đã tốt (tốt khi chiếm dụng vốn tăng, không tốt khi nợ vay/VCSH tăng).
3.5. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh/Doanh thu thuần
Tỷ lệ này cho nhà đầu tư biết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp bao nhiêu đồng vào mỗi đồng doanh thu thuần thu được.
Đối với mỗi ngành nghề thì tỷ lệ này cần mức độ khác nhau. Nhưng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, kinh doanh… mà hoạt động chính là hoạt động kinh doanh thì tỷ lệ này cần càng cao càng tốt.
Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư thì tỷ lệ doanh thu thuần từ hoạt động đầu tư/ doanh thu thuần mới cần cao, còn doanh thu từ hoạt động khác không nên quá cao.
Đây là tính phù hợp cần chú ý khi xem xét phân tích báo cáo tài chính của một cổ phiếu.
4. Phân tích báo cáo tài chính lưu chuyển tiền tệ
Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong những công việc quan trọng nhất trong việc phân tích báo cáo tài chính.
Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược tương ứng giai đoạn phát triển khác nhau. Khi phân tích dòng tiền cần phân tích cả 3 dòng tiền mới đưa ra được kết luận chính xác nhất để đánh giá dòng tiền doanh nghiệp.
Cùng xét xem cách nhận biết dòng tiền để tìm được doanh nghiệp tăng trưởng nên đầu tư như thế nào:
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn >0, dòng tiền từ đầu tư nhỏ và dòng tiền từ hoạt động tài chính âm lớn => Doanh nghiệp chín muồi.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn >0, dòng tiền từ đầu tư âm lớn và dòng tiền từ hoạt động tài chính nhỏ => Doanh nghiệp tăng trưởng.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm và dòng tiền tài chính dương lớn => Doanh nghiệp rủi ro khi đầu tư.
5. Các lưu ý trong Phân tích báo cáo tài chính
5.1. Những dấu hiệu rủi ro đáng chú ý trong BCTC
- Các khoản phải thu chiếm phần lớn tài sản, thông thường là dấu hiệu của tăng khống vốn nhằm mục đích lừa đảo, bán giấy lấy tiền của nhà đầu tư. Ngoài ra, điều này còn cho thấy đó là doanh nghiệp có vấn đề trong công tác bán hàng và bị chiếm dụng lớn.
- Khi biên lợi nhuận suy giảm mạnh và rõ rệt do vị thế doanh nghiệp giảm cho thấy công ty cơ bản mất lợi thế cạnh tranh (trừ nguyên nhân khách quan). Về lâu dài điều này sẽ khiến hiệu quả kinh doanh sẽ rất kém.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm và dòng tiền hoạt động tài chính liên tục dương trong nhiều năm liền, đi kèm với lợi nhuận kém là một dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng lần thường là một dấu hiệu rủi ro đáng chú ý. Tăng vốn nhanh quá rất nguy hại do rủi ro từ khả năng quản trị cũng khó theo kịp sự tăng vốn. Trường hợp còn lại rất có thể việc tăng vốn bằng lần nhằm mục đích lừa đảo. Ví dụ:
Công ty này đã tăng vốn từ 3 tỷ lên 1,658 tỷ đồng (tăng 500 lần) chỉ trong vòng 3 năm. Tăng vốn nhanh quá rất nguy hiểm, trường hợp công ty này tăng vốn có thể nhằm lừa đảo.
Trừ trường hợp những công ty con của các tập đoàn uy tín thì họ có thể tăng lớn thực hiện dự án là bình thường.
5.2. Chỉ số P/E và EPS
Phân tích BCTC đều nhằm mục tiêu lựa chọn ra doanh nghiệp tốt để đầu tư. Nhưng nên chọn doanh nghiệp nào đầu tư còn phụ thuộc vào cả định giá doanh nghiệp.
Định giá có rất nhiều phương pháp khác nhau như: P/E, P/B, định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, chiết khấu cổ tức…
Hôm nay chúng ta tìm hiểu phương pháp thông dụng nhất là P/E.
Hệ số giá thu nhập của cổ phiếu (P/E) = P/ EPS
Trong đó:
P là giá thị trường của cổ phiếu
EPS: lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu
Khi phân tích EPS thì chỉ số này cao tốt hay thấp tốt?
Thông thường, chỉ số EPS > 1500 đồng được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, chỉ số EPS cần duy trì mức cao hơn 1500 đồng trong nhiều năm và có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần so sánh với giá trị trung bình của ngành và so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Để đưa ra lựa chọn đầu tư chính xác hơn, nhà đầu tư cần kết hợp thêm chỉ số P/E.
Thông thường, khi xét định giá cổ phiếu, P/E cổ phiếu nào thấp hơn thì sẽ hấp dẫn hơn cổ phiếu có P/E cao hơn.
Ví dụ:
Cổ phiếu A có giá thị trường là 10.000 đồng, EPS đạt 1.000 đồng => P/E = 10
Cổ phiếu B có giá thị trường là 30.000 đồng, EPS đạt 1.500 đồng => P/E = 20
Nếu tính theo EPS thì EPS của B cao hơn cổ phiếu A, tuy nhiên P/E cổ phiếu A lại đang hấp dẫn hơn cổ phiếu B. Trong đó EPS (A) = 1.000 đồng vẫn trong mức chấp nhận được.
Tại thời điểm này, nhà đầu tư nên cân nhắc MUA cổ phiếu A thay vì cổ phiếu B vì định giá của A đang hấp dẫn hơn.
Bài viết trên đây đã cung cấp lý thuyết về Phân tích báo cáo tài chính trong đầu tư chứng khoán và cách định giá cổ phiếu qua P/E. Tuy nhiên, mỗi ngành lại có báo cáo tài chính khác nhau, mỗi doanh nghiệp lại có những điểm không giống nhau, để có thể phân tích chính xác, nhà đầu tư có thể tham khảo khóa học Đọc vị cổ phiếu chuyên sâu của AzFin nhé!
Liên hệ AzFin theo các thông tin dưới đây:
- Hotline: 0962498639
- Email: info@azfin.vn
- Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
- Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
- Tham khảo các khóa học của AzFin tại đây: https://academy.azfin.vn/